Thông báo

GIỚI THIỆU CÙNG CÁC BẠN YÊU THƠ

"Đời và Thơ", tập thơ tứ ngữ của Nhà thơ. BS Huỳnh Văn Bá, do Nguyễn Thanh hiệu đính và biên dịch : Việt-Anh-Pháp-Hoa đã ấn hành trong quý I/2021. Thơ hay in đẹp. Mời bạn tìm đọc.

Xem

EM GÁI CẦN THƠ Nguyễn Thanh

17 Tháng Chín, 2021 - vanchuongphuongnamNguyễn Việt Hồng hy sinh ngày 17/3/1969 tại Cần Thơ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cảm xúc trước sự hy sinh của nữ Anh hùng, nhà thơ Ngũ Lang (Nguyên Tổng Thư ký hội Văn nghệ Giải phóng TP. Cần Thơ) đã viết bài ca ngợi liệt sĩ cho Hội Trí thức Yêu nước TP. Cần Thơ đọc trong buổi mít-tinh tổ chức vào một ngày đầu vừa thống nhất đất nước năm 1975. Nhà văn – nhạc sĩ Nguyễn Thanh cũng nhắc đến Nguyễn Việt Hồng trong nhạc phẩm “Thành phố yêu thương” (giải Nhất – trong số 1/96 ca khúc) của cuộc thi âm nhạc Chào mừng Ngày Thống nhất Đất nước năm 1975 do thành phố Cần Thơ tổ chức và được trình bày trên Sân khấu Câu Lạc bộ và trên sóng đài Phát thanh Cần Thơ. Hiện nay, Anh hùng-Liệt sĩ Nguyễn Việt Hồng có tên được đặt cho một trường Trung học Phổ thông lớn và tên một con đường khang trang rợp bóng cây xanh tại giữa lòng nội ô thành phố Cần Thơ.Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Việt Hồng (1950-1969).Trong đời, tôi như một gã lãng tử giang hồ có cuộc đời thăng trầm lang thang đây đó khi làm nghề gõ đầu trẻ. Nhưng đôi lúc tôi cảm thấy mình cũng may mắn đã nhận được ít nhiều vốn sống hữu ích cho việc cầm bút sau này. Thập niên 1970, khi đổi chỗ cho một người bạn, tôi về dạy Văn và Mỹ thuật tại trường Trung học Long Mỹ, Cần Thơ (nay thuộc Hậu Giang). Tính tôi có thói quen vào chủ nhật, ngày lễ cùng học trò đi về miền quê tham quan và vẽ phong cảnh ngoài trời. Những địa danh kháng chiến lịch sử nổi tiếng ở Vĩnh Viễn, Lương Tâm, Xà Phiên,… thuộc huyện Long Mỹ khi ấy là những nơi người dân quê đang phải điêu đứng hứng chịu nhiều đạn bom lúc bấy giờ. Do vậy, tôi đã phải hai lần làm bảng tường trình (hình thức bản kiểm điểm ngày nay) nộp cho chính quyền địa phương! Nhưng cũng từ đó, tôi hiểu thêm để rồi cảm thông với bà con ở vùng trái độn nông thôn giữa hai thế lực đối dịch chiến tuyến. Nhờ vậy, sau ngày thông nhất, tôi được hiểu nhiều và cảm thấy yêu thương những con người yêu nước và bạn bè văn nghệ sĩ như các nhà văn Lê Vĩnh Hòa (Đoàn Thế Hối), Dạ Ngân (Nguyễn Thị Hồng Hoa), nhà thơ Trần Hồng Thắng, NSƯT Nhiếp ảnhTrịnh Thị Linh Phượng… và anh hùng – liệt sĩ Nguyễn Việt Hồng… Các anh chị vốn là những người sinh ra và hoạt động tại vùng đất xa xôi từng chịu nhiều tóc tang vì bom đạn. Riêng chị Nguyễn Việt Hồng được coi là một biểu tượng đặc thù nổi trội trong số những người hoạt động cách mạng rất khả kính đó.Nguyễn Việt Hồng (1950-1969) sinh ra và lớn lên tại xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, tỉnh Cần Thơ (nay thuộc Hậu Giang) cách thành phố Cần Thơ khoảng 78 km. Xuất thân từ một gia đình có truyền thống cách mạng mà cha mẹ đếu là cán bộ kháng chiến.Thân phụ Nguyễn Việt Hồng là Nguyễn Hùng Sơn (Nguyễn Văn Quý) hoạt động bị địch bắt. Mẹ chị là bà Phan Thị Tốt nguyên là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP. HCM. Năm 15 tuổi, Phan Thị Tốt đã tích cực tham gia phong trào cách mạng tại huyện Tam Bình, bị địch bắt giam vì tội phỉ báng quận trưởng. Sau khi được trả lại tự do, bà Phan Thị Tốt thoát ly gia đình, đi gầy dựng cơ sở cách mạng ở nhiều nơi như Vĩnh Long, Cần Thơ, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau… Năm 1940, khi tham gia cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ tại Cà Mau, bà bị địch bắt giam, giữ tại khám Chí Hòa cho tới năm 1945 mới được thả ra. Năm 1964, nghe cha bị bắt và hy sinh trong tù khi Nguyễn Việt Hồng mới 14 tuổi. Căm thù giặc sâu sắc, Nguyễn Việt Hồng xin mẹ theo cách mạng và được phân công vào đội biệt động thị xã Cần Thơ. Nợ nước thù nhà, trước khi thoát ly gia đình, Việt Hồng khẳng khái nói với mẹ: “Con đi trả thù cho cha. Nếu hy sinh thì con theo bước anh hùng Võ Thị Sáu chết vinh quang vì Tổ quốc”.Mới tham gia, Nguyễn Việt Hồng được phân công làm nhiệm vụ giao liên trong thị xã. Với vỏ bọc là một cô nữ sinh hiền lành, Việt Hồng đã nhiều lần qua mắt địch, đem được nhiều truyền đơn và vũ khí vô nội thành, tham gia rải truyền đơn, treo khẩu hiệu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Bà Lê Minh Châu, nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Cần Thơ nhớ lại: “Tánh con Hồng giống hệt như mẹ nó, cương quyết, thẳng thắn, trung thành. Làm việc gì là quết làm cho tới nơi tới chốn, con nhỏ này gan cùng mình”.Sau Tổng công kích Mậu Thân 1968, bọn giặc cay cú, tăng cường càn quét, khủng bố các cơ sở cách mạng. Ở cương vị chính thức là biệt động, Nguyễn Việt Hồng gan góc xung phong xin được đánh vào trung tâm thị xã Cần Thơ. Sau khi nghiên cứu, nắm rõ giờ giấc sinh hoạt, khỏang 9 giờ tối ngày 12/3/1969, Nguyễn Việt Hồng cùng một nữ biệt động khác nhận nhiêm vụ đặt mìn đánh cư xá Mỹ, bên cạnh điểm sinh hoạt của đám Phòng vệ Dân sự gần sân vận động, trên đường Quang Trung. Quả mìn được đặt an toàn đúng vào vị trí đã định và bấm kíp mìn hẹn giờ. Nhưng do sự cố kỹ thuật, đúng giờ mà mìn không nổ. 5 giờ sáng ngày 13/3/1969, vì sợ lộ điểm đánh và gây thương vong cho bà con, Việt Hồng quyết định quay lại chỗ cũ lấy mìn mang về. Nhưng không may, mìn phát nổ làm Hồng bị giập nát hai chân. Ngay lập tức, bọn lính Mỹ xông ra đánh Hồng, tra hỏi. Dù đau đớn, Nguyễn Việt Hồng vẫn mưu trí trả lời: “Gia đình tôi ở miền Trung bị giặc Mỹ giết hại nên tôi vô đây tìm diệt Mỹ, không có bà con thân thích gì ở đây…”. Đến khoảng 10 giờ sáng cùng ngày, bọn giặc đưa Việt Hồng vào nhà thương Thủ Khoa Nghĩa để chữa trị, âm mưu khai thác để tìm thêm manh mối cơ sở cách mạng. Trong mấy ngày nằm ở bệnh viện, bọn giặc đã dùng mọi thủ đoạn để điều tra. Từ ngon ngọt dụ dỗ, mua chuộc đến dùng vũ lực trấn áp hăm dọa, nhưng chúng cũng không lung lay được ý chí của người phụ nữ anh hùng. Trong đau đớn, Nguyễn Việt Hồng vẫn gan góc nói lên những lời lên án mạnh mẽ đanh thép trước kẻ thù: “Tao thù Mỹ, tao ghét Mỹ, chúng mày đừng có nói gì thêm. Muốn biết thì mổ bụng tao mà xem trái tim tao. Mỹ cướp nước, giết cha mẹ, đồng bào tao nên tao đánh Mỹ”.Bất ngờ, Nguyễn Việt Hồng chồm dậy, dùng tất cả sức lực còn lại của mình sau năm ngày bị thương nặng không ăn uống, chớp nhoáng chụp cắn vào cánh tay tên Mỹ đứng gần. Hắn hốt hoảng kêu cứu. Bọn giặc xúm lại đánh chị bất tỉnh. Bực tức không khai thác được gì, bọn Mỹ cưa chân chị nhiều lần… Đến 2 giờ sáng ngày 17/3/1969, Nguyễn Việt Hồng bị giặc giết.Một người dân có nhà ở gần sân vận động Quang Trung gần cư xá Mỹ khi ấy kể lại một câu chuyện rất cảm động làm người dân Cần Thơ nhớ mãi không bao giờ quên. Sau khi Nguyễn Việt Hồng bị giết, bọn giặc đem xác chị bỏ trước nhá xác cả ngày. Lúc này, mặt chị bị chúng đập giập nát và bụng bị đâm nhiều nhát. Nhưng sáng hôm sau thì xác Nguyễn Việt Hồng bỗng biến mất. Thì ra bác công nhân giữ nhà xác cảm kích tấm gương hy sinh của chị, nửa đêm lén lấy xác chị về chôn. Sau năm 1975, bác công nhân tốt bụng, giàu lòng nhân ái này đến thông tin cho chính quyền địa phương và hướng dẫn chỉ rõ nơi chôn xác của người nữ biệt động anh hùng.Đồng chí Nguyễn Thi Nhung, nguyên Chủ tịch hội tỉnh Cần Thơ, sau ngày giải phóng, người đã tham gia trận đánh đó với Nguyễn Việt Hồng sau này nhớ lại: “Không khai thác được gì, bọn Mỹ cưa chân Việt Hồng từng đoạn, khiến chị ngất xỉu nhiều lần. Nhưng mỗi khi tỉnh lại, chị lại chửi Mỹ và bọn tay chân cho tới lúc hy sinh… Nguyễn Việt Hồng là một người con gái quá dũng cảm kiên cường”. Bà Nhung cũng có dịp kể thêm: “Do phải bí mật vì là biệt động thành, chị Hồng không để lại được những bức ảnh rõ ràng. Nhưng tôi nhớ ra chị là một thiếu nữ xinh đẹp, duyên dáng, tóc nhiều và đôi mắt sáng long lanh đầy vẻ tinh nghịch”.Ngày 10/02/1970, chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đã truy tặng Nguyễn Việt Hồng: Huân chương Chiến công Kháng chiến hạng Nhất cùng danh hiêu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.Nguyễn Việt Hồng là người nữ chiến sĩ biệt động kiên cường, bất khuất trước kẻ thù, xứng đáng là tấm gương sáng của phụ nữ Việt Nam. Ngày nay, chiến tranh đuổi giặc giữ nước đã không còn, đất nước ba miền đã hoàn toàn sạch bóng quân thù. Mỗi khi được ai nhắc tới Nguyễn Việt Hồng hay có dịp đi ngang qua con đường mang tên chị, không ai trong lòng không cảm thấy bâng khuâng nhớ đến chị một thời quê hương còn đắm chìm trong bóng đêm nô lệ. Con đường Quang Trung bên cạnh sân bóng đá ngày xưa từng thấm ướt giọt máu hồng của người con gái quả cảm anh hùng ngày nay đã mang bộ mặt mới. Nó vừa trang nghiêm vừa trù mật với trụ sở của Ban Tuyên giáo thành phố, Hội trường thành ủy và Nhà hàng – khách sạn Cửu Long. Giờ đây ngày đêm tưng bừng nhộn nhịp với lớp lớp người qua lại, nồng ấm hơi thơ và tiếng nhạc lời ca của không gian một đất nước thịnh vượng thanh bình.Nguyễn Việt Hồng trong tuổi thanh xuân đẹp nhất của người con gái, với cuộc đời đầy ý nghĩa đã sống và chiến đấu dũng cảm trong một thời binh lửa, Liệt sĩ Nguyễn Việt Hồng như một ngọn đuốc cháy bừng, rực sáng trên đất Tây Đô bất khuất anh hùng mà nhân dân Cần Thơ ngày nay mỗi khi nhắc đến ai ai cũng xúc động và ngưỡng mộn khôn cùng. Nguyễn Thanh

Xem

NHỚ THẦY ANH PHA VÀ 4 BÀI THƠ TỨ ĐỔ TƯỜNG Nguyễn Thanh

Thầy dạy Văn lớp Đệ Nhị (lớp 11) của tôi tại trường Trung học Phan Thanh giản, Cần Thơ là giáo sư Nguyễn Tri Hựu (1903-1957), bút danh Anh Pha, gốc người tỉnh Bến Tre. Xuất thân từ khoa tiếng Pháp trường Đại học Sư phạm Hà Nội vào khoảng cuối nửa đầu thế kỷ 20, thầy yêu tiếng Việt và thích làm thơ. Sau khi tốt nghiệp về dạy học tại Lycée Cần Thơ (sau là Trung học Đệ nhị cấp Phan Thanh Giản), vì yêu tiếng mẹ đẻ và thích văn chương, thầy xin dạy môn Việt Văn cho học sinh các lớp Đệ Nhị Cấp. Trong hơn 30 năm đứng lớp, tận tụy dạy Việt văn cho học trò, thầy sử dụng hầu hết thì giờ còn lại để làm thơ. Thầy Nguyễn Tri Hựu làm thơ theo đủ thể loại, đặc biệt là thơ Đường, một thể thơ có niêm luật nghiêm ngặt rất khó làm hay, ngoại trừ các thi sĩ bậc thầy như Hồ Chí Minh, Quách Tấn, Hàn Mặc Tử,… Giáo sư Nguyễn Tri Hựu đã xuất bản tập thơ “Hoa muộn Tây Đô” (1956) trong đó có nhiều bài làm theo thể Thất ngôn Bát cú Đường luật, độc đáo nhất là 4 bài mang chủ đề về Tứ đổ tường. Giáo sư còn sáng tác một số bài thơ theo thể song thất lục bát, lục bát, thơ mới, tứ tuyệt… được phổ biến giữa đồng nghiệp yêu thơ và học trò, ngoài những bài thơ nổi tiếng của các thi sĩ Pháp như: Sonnet (Đoản ca) của Félix Arvers (1806-1850), Le Lac (Cái hồ) của Lamartine (1790-1869),… được thầy dịch từ tiếng Pháp ra thơ Việt.1. TỬURượu nhập lời ra, cụ hóa thằngSống nào vì lẽ uống cùng ăn.Đặt Mai quế lộ trong lùm đế,Giấu Ngũ Gia bì dưới cội măng.Cất chén Lưu Linh, tay lập cập,Xem thơ Lý Bạch, chữ lăng nhăng.Hơi men dù mạnh, dằn tâm xuống,Đầu bạc nêu gương kẻ trắng răng.2. SẮCSắc bất ba đào vẫn bũa xôSông Tương rộn rịp, cậu tìm côNguồn ân lạch cạn, ai say đắmBể ái thuyền đầy nước chảy vô.Chức Nữ rấp ranh tung cánh nhạn,Ngưu Lang hăm hở vượt cầu ôYêu đương một phút sầu muôn kiếpTống Ngọc, Tràng Khanh cũng chạy rô.3. TÀICanh bài xào xạc suốt canh gàHốt của lòng tham, khó bỏ qua.Tài xỉu, đề, me, quơ nát đất,Băng cô, cào, phé, quét tan nhà.Cạn lưng, con quyết khiêng rương bốSạch túi, cháu toan cạy tủ bà.Đổ bát đem bùa mê, thuốc lú,Ru hồn con bạc trẻ như già.4. KHÍTiền bạc ai đem đốt lửa lò,Ra dio một bóng vặn tò mòKhêu đèn tỏ rõ xe dây nhớ,Cất tiếng ro ro gở mối lo.Tin gởi theo mây, truyền lẹ nhỉ,Nhạc đưa dưới gió, giữ mùi cho.Nha yên huyền dịu mê hồn bướm,Kiều diễm tiên nâu khéo dở trò. Anh Pha (Hoa muộn Tây Đô) Cái hay ở 4 bài thơ này là, ngoài nội dung lành mạnh mang tính giáo dục cao, về nghệ thuật, tác giả đã sử dụng thành thạo luật thơ Thất ngôn bát cú Đường luật. Bài thơ được sáng tác với niêm luật vững vàng, tu từ phong phú (điển cố: Lưu Linh, Lý Bạch, Tống Ngọc, Tràng Khanh; cường điệu: nguồn ân, bể ái), ngôn ngữ chọn lọc, đầy màu sắc và tượng hình: lập cập, lăng nhăng, rấp ranh, hăm hở. Độc đáo nhất là tác giả đã áp dụng loại vần cực kỳ hiểm hóc, không dễ làm và cũng rất khó đối: vần ở 5 chữ cuối câu 1,2,4,6 và 8 đọc lên nghe có nghĩa đặc biệt, người chơi thơ gọi là vần Từ Thứ. Vần lần lượt ở các Bài 1, 2, 3, 4, là: thằng ăn măng nhăn răng/ xô cô vô ô rô/ gà qua nhà bà già/ lò mò lo cho trò. Hoặc: ôi thôi rồi nồi xôi, chà và la ma tà,… Nhớ lại, nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị (1830-1910) cũng đã sử dụng vần Từ Thứ: voi mòi còi roi thoi (không có nghĩa) trong bài thơ luật Đường thách họa “Tôn phu nhân quy Thục với người bạn thơ đối lập về quan điểm, lập trường chính trị của mình là Tôn Thọ Tường (1825-1877) trong cuộc bút chiến giữa hai người thời Pháp thuộc vào cuối thế kỷ 19 ở nước ta. Nhà thơ Anh Pha Nguyễn Tri Hựu mất vì bệnh tim vào một buổi sáng năm 1957, khi đang dạy cho học trò tại trường, được GS. Hiệu trưởng Nguyễn Văn Kính đứng ra làm lễ truy điệu rất trọng thể tại sân trường trước hội đồng giáo sư và tập thể học sinh. 19. 09. 2021 N . T

Xem

HỒ HÒANG, NHỮNG GIAI ĐIỆU MÀU HỒNG Tương Như

Nhạc sĩ Hồ Hoàng thuộc hội Nhạc sĩ Việt Nam (8/2002) đã công tác ở Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Hậu Giang (nay là TP. Cần Thơ) và giữ qua các chức vụ : Phó Ban Tuyên giáo TP. Cần Thơ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin và Du Lịch TP. Cần Thơ. Tác phẩm đã xuất bản : + 6 Tập ca khúc Thiếu nhi (NXB Trẻ) ; + Ca khúc viết về : Bác Hồ, Hải Thượng Lãn Ông, Lời Phật dạy; + Ca khúc về chính trị, cổ động và về bông hoa, phụ nữ … ; + Phổ nhạc cho 12 nhà thơ trong đó có Trần Hồng Thắng, Ngũ Lang ; + Nhạc phẩm in riêng (NXB Trẻ, Đại học Cần Thơ) : Hà Nội trong tôi, Trang sử cuộc đời, Xuân mãi bên Người, Qua miền đất nhớ (90 ca khúc phổ thơ Nguyễn An Bình). In chung : 15 tập. Hơn 300 ca khúc đăng báo TƯ và Địa phương, tạp chí Sóng nhạc, tạp chí Âm nhạc… Nhạc sĩ Hồ Hoàng đã được tặng thưởng : + Huân chương Lao động hạng Ba, Kỷ niệm chương vì sự nghiệp : VHNT, Âm nhạc, Mỹ thuật, Tư tưởng Văn hóa,…; + Huy chương: Vì Thế hệ trẻ,Vì sự nghiệp Bảo vệ Chăm sóc Trẻ em…Và nhiều Giấy khen về các tác phẩm khai sinh kịp lúc vào các ngày lễ lớn của dân tộc. Cách miền đất địa linh nhân kiệt Ô Môn(Cần Thơ) chưa đầy 20 km, Thốt Nốt nổi tiếng là một thị trấn trù mật với cù lao Tân Lộc xanh tươi cây lành trái ngọt, nằm kề bên dòng sông Hậu hiền hòa đậm đặc cá tôm, bốn mùa lặng sóng. Nơi đây là quê hương của nhà chính trị mang tâm hồn nghệ sĩ Mai Văn Bộ (1918-2002), ), soạn giả cải lương tiền phong Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền (1875-1953), họa sĩ Văn Thanh… và nhạc sĩ Hồ Hoàng Nhạc sĩ Hồ Hoàng (sinh năm 1955) với tên đầu đủ là Hồ Văn Hoàng là một học sinh giỏi Văn ban Văn chương của trường Trung học nổi tiếng miền Tây Phan Thanh Giản (Collège de Can Thơ), nay là trường Phổ thông trung học Châu Văn Liêm. Nơi đây là chiếc nôi văn hóa của nhiều danh nhân nghệ sĩ : nhà cách mạng Châu Văn Liêm (1902-1930), nhà văn Sơn Nam (1926-2008), nhà nông học Lương Định Của (1920-1975),… và hôm nay là nhạc sĩ Hồ Hoàng, thành viên sáng giá của hội Nhạc sĩ Việt Nam. Xuất thân tử một gia đình trung lưu có truyền thống cách mạng, Hồ Hoàng được nuôi dưỡng theo nề nếp giáo dục lễ giáo gia phong. Thuở nhỏ học tiểu học tại quê nhà cỏ cây sông nước ngày đêm nghe tiếng chim kêu cá ục, Hồ Hoàng đã sớm tỏ ra yêu say đắm thế giới âm thanh kỳ diệu của thiên nhiên. Khi bắt đầu học trung học Phan Thanh Giản, có dịp gần gũi và tiếp thụ văn hóa nghệ thuật dân tộc với những người thầy mang tâm hồn nghệ sĩ tại đất Tây Đô. Nhà văn - họa sĩ Nguyễn Thanh, nhạc sĩ Nguyễn Đức Minh, nhà thơ Lê Hà Uyên, họa sĩ Nguyễn Văn Ẩn,…đã sớm tạo cơ hội cho anh lòng đam mê âm thanh sắc màu của thế giới nghệ thuật. Tự tìm tòi học hỏi kiến thức âm nhạc với qua tác phẩm, sách vở với các giáo sư, nhạc sĩ đàn anh như : GS. Nhạc sĩ yêu nước Nguyễn Đức Minh, nhà thơ Ngũ Lang,… Hồ Hoàng ngày một trưởng thành trên lĩnh vực sáng tác ca khúc. Ánh sáng rực rỡ của mùa xuân 1975 soi đưởng thêm cho anh đến với thế giới âm thanh trong sáng qua những ca khúc viết cho thiếu nhi - thế hệ ngày mai của đất nước thanh bình độc lập tự do. Sau khi rời giảng đường đại học,với một tinh thần làm việc say mê năng động,Hồ Hoàng công tác cho chính quyền cách mạng, vừa tiếp tục học thêm chuyên môn vừa quan hệ với văn nghệ sĩ có tư tưởng mới : nhà thơ Thiếu nhi Trần Hồng Thắng, nhà văn Nguyễn Thanh, nhạc sĩ Vũ Loan. Với tâm hồn thăng hoa trong nghệ thuật, anh đã ngày một bay cao và vươn xa trên con đường nghệ thuật của giai điệu âm thanh. Những văn bằng Cử nhân về Ngữ Văn, Chính trị, Luật pháp và Báo chí đạt được càng chắp cánh cho Hồ Hoàng tự tin tiến xa hơn trên lĩnh vực âm nhạc mạnh nhất ở cường độ sáng tác. Trong bốn thập niên sau ngày thống nhất đất nước, Hồ Hoàng là một trong không nhiều nhạc sĩ có tác phẩm mạnh về số lượng lẫn chất lượng. Với những thành tựu rạng rỡ bước đầu khi hoạt động hăng say trong hàng ngũ Đội Thiếu nhi Tiền phong Hồ Chí Minh, Hồ Hoàng được cử làm Trưởng đoàn hướng dẫn Đội Thiếu Nhi Tiền Phong Hồ Chí Minh đi dự Trại Hè Thiếu Nhi Quốc tế tại Đông Đức (1982) cùng với nhạc sĩ Mộng Lân, nghệ sĩ piano Bích Trà, ca sĩ Thanh Lam… Trong bốn thập niên qua, nhạc sĩ Hồ Hoàng thực sự là một khuôn mặt không xa lạ trong thế giới âm nhạc nước nhà. Trong 6 tập ca khúc buổi đầu viết về Thiếu nhi do nhà xuất bản Trẻ ấn hành bắt đầu từ năm 1986, những nhạc phẩm tiêu biểu như : Bé ngoan (5 bài, với NS Vũ Loan, 1986, TP.HCM), Gà trống thổi kèn (43 bài phổ thơ Trần Hồng Thắng, NXB Trẻ - 9/2001TP.HCM),) còn có : Bé hát đồng dao (102 bài, 7/2002), Quê nội, quê ngoại (48 bài, 5/2005), Bé và Trăng (54 bài (7/2005) và Bướm Xuân (80 bài viết kỷ niệm 80 năm thành lập Đội Thiếu nhi Tiền phong Hồ Chí Minh, NXB Trẻ, 2021, TP. HCM) đã có âm vang tốt đẹp trong dư luận báo chí và công chúng mộ điệu âm nhạc nước nhà. Là một tâm hồn lãng mạn dạt dào tình cảm, Hồ Hoàng không chỉ khu biệt cảm hứng của mình trong không gian tuổi teen xập xòe cánh bươm bướm, chuồn chuồn mà còn lan tỏa thể hiện tình cảm phong phú của nghệ sĩ về bông hoa, phụ nữ. Là một nghệ sĩ đã sớm giác ngộ lý tưởng cao đẹp của giai cấp lao động, đinh ninh bước lãnh tụ vĩ đại, nhạc sĩ Hồ Hoàng không bao giờ quên mình trước hết phải viết gì, viết về ai và viết cho ai với mục đích và tiêu chí trong sáng rõ ràng. Gần gũi với một ca khúc của Nguyễn Thanh (Thành phố yêu thương, 1975) viết từ buổi bình minh sau mùa xuân lịch sử 30/4/1975, nhạc sĩ Hồ Hoàng trước hết đã ca ngợi quê hương Tây Đô nhau rún, khởi sắc trở mình sau mùa giải phóng với những tập ca khúc in đẹp bắt mắt : Cần Thơ cất cánh, Cung đàn sông Hậu, 100 ca khúc về Cần Thơ, Miệt vườn sông nước Cửu Long,…Kế tiếp, Hồ Hoàng không quên ân tình thủy chung trở về tình cảm về nguồn để ca ngợi hình ảnh thủ đô Hà Nội trên bốn nghìn năm văn hiến. Trong khi các nghệ sĩ :Phan Nhân (Hà Nội, Niềm tin và Hy vọng), Nguyễn Tuân (Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi), Hồ Dzếnh (Hà Nội sang thu), Nguyễn Thanh (Hà Nội bốn mùa xuân), Diễm Thi (Với Hà Nội, mùa xuân, Nhớ về thủ đô rồng bay) … thể hiện niềm tự hào về dân tộc Việt Nam anh hùng trong một thời khói lửa, Hồ Hoàng nói lên ân tình dào dạt của mình về thủ đô Hà Nội - trái tim nồng ấm của tổ quốc trong các nhạc phẩm : Hà Nội trong tôi, Tây Đô nhớ Đông Đô, . .. Và trên hết vẫn là những ca khúc nghệ sĩ đã dành trọn tình cảm thiêng liêng cao đẹp với Bác Hồ vĩ đại muôn vàn kính yêu, lãnh tụ kiệt xuất của nhân dân cả ba miền đất nước tự do tươi đẹp : Xuân mãi bên Người, Trang sử cuộc đời,… Nhạc sĩ tâm huyết ca ngợi lãnh tụ lỗi lạc Bác Hồ và thủ đô anh hùng Hà Nội mà không bao giờ quên bộc lộ niềm tự hào với biển đảo xa xôi nghìn trùng cách trở : Dậy sóng biển Đông,… vì nơi nào trên đất nước Rồng Tiên này chẳng là quê hương của con Hồng cháu Lạc: Ca khúc Kontum, Sa - pa tôi yêu…Nhạc sĩ Hồ Hoàng thường phổ ca khúc với nốt nhạc nhẹ nhàng, theo nhịp 2/4 với game trưởng vui tươi dễ hát. Tổng quan nhìn lại thân thế và sự nghiệp của nghệ sĩ, Hồ Hoàng hiện diện tỏ rõ trong sự nghiệp nghệ thuật nước nhà là một chân dung nhạc sĩ đích thực với tài năng và nhân cách rất đáng ngưỡng mộ. Những giai điệu màu hồng của anh không chỉ là biểu tượng của tình yêu lứa tuổi thơ mà còn là những bản tụng ca tôn vinh danh nhân, và những giai điệu ngợi ca lãnh tụ. Đó là những nốt nhạc trẻ trung chứa đầy hơi thở trong lành từ buồng phổi khỏe mạnh và nhịp tim nồng ấm, âm vang những tình tự quê hương ắt sẽ mãi mãi lắng đọng sâu kín trong lòng công chúng yêu nhạc. 20. 09. 2021 Tương Như

Xem

THA LA, MỘT BÀI THƠ ĐỂ ĐỜI Nguyễn Thanh

Nguyễn ThanhTHA LA - MỘT BÀI THƠ ĐỂ ĐỜI Dù ít có dịp được nghe nhắc đến, trong bộ phận văn học yêu nước Nam bộ giai đoạn 9 năm kháng chiến chống Pháp (1945-1954), Vũ Anh Khanh vẫn là một cây bút kháng chiến sáng giá đặc thù giữa những tên tuổi như Thẩm Thệ Hà (1923-2009), Sơn Nam (1926-2008), Kiên Giang (1929-2014), Lý Văn Sâm (1921-2000), Dương Tử Giang (1918-1956)…trước thế hệ Nguyễn Quang Sáng (1932-2014), Anh Đức (1935-112014), Lê Văn Thảo (1939-2016), Viễn Phương (1928-2005)…. Tác phẩm : tiểu thuyết (3), truyện ngắn (4), thơ (3 tập) của Vũ Anh Khanh phát hành với số lượng chiếm kỷ lục. Được nhắc đến nhiều nhất là bài thơ “Tha La” hay “Tha La xóm đạo” được coi là một bài thơ để đời, nhiều nhạc sĩ đã phổ thành ca khúc : Dzũng Chinh (1941-1969), Thanh Sơn (1938-2012)… Bài thơ đó cũng được NSND Viễn Châu viết thành bài Tân cổ giao duyên và rất nhiều sinh viên học sinh cùng công chúng yêu thi ca chép vào sổ tay thơ để học thuộc lòng. Cách mạng tháng Tám thành công (1945), chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9 tại quãng trường Ba Đình, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhân dân Việt Nam ở cả ba miền hưởng độc lập tự do mới chỉ hơn một năm, thực dân Pháp phản bội hiệp ước Fontainebleau -1946 ), quay trở lại đánh phá Nam bộ.. Hưởng ứng lời kêu gọi của chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Tổng Tư lệnh tối cao của dân tộc, không chỉ có bộ đội mà mọi tầng lớp nhân dân cùng nhau tham gia chiến đấu tùy theo hoàn cảnh của mình. Trên mặt trận văn hóa văn nghệ ở Nam bộ, nhiều văn nghệ sĩ yêu nước cũng đã đem tim óc và cả sinh mệnh của mình để đóng góp vào sự nghiệp đuổi giặc giữ nước của toàn dân. Rum Bảo Việt, Hoàng Tố Nguyên (1929-1975), Lý Văn Sâm, Thẩm Thệ Hà, … điển hình là Vũ Anh Khanh được coi như một nhà văn - nhà thơ xuất sắc trên văn đàn kháng chiến chống Pháp ở Nam bộ trong giai đoạn 1945-1954. Vũ Anh Khanh (1926-1956) tên thật là Võ Anh Khanh (có nơi ghi tên là Nguyễn Năm) gốc người Mũi Né, quận Hải Long, thuộc thị xã Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Trung bộ. Không có tư liệu ghi rõ về thân thế, người ta chỉ biết trước năm 1945, Vũ Anh Khanh vào Sài Gòn sống bằng nghề làm báo, viết văn. Sau ngày Bác Hồ kêu gọi Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), ông hoạt động cùng với nhóm văn nghệ sĩ yêu nước tại Sài Gòn. Do họat động văn nghệ báo chí không có lợi cho chính quyền đương thời nên bị thực dân truy lùng, Vũ Anh Khanh thoát ly (1950) ra vùng kháng chiến ở miền Đông Nam bộ. Sau hiệp định Genève (1954), Vũ Anh Khanh tập kết ra Bắc. Tháng 12/1956, ông được cử làm đại biểu đi tham dự Hội nghị các nhà văn Châu Á tại New Delhi , Ấn Độ do Nhà văn Nguyễn Công Hoan làm Trưởng đoàn. Về nước, Vũ Anh Khanh tiếp tục hoạt động văn nghệ và mất ở Quảng Trị vào năm 1956. Vũ Anh Khanh là một nhà văn - nhà thơ tài hoa có bút lực sung mãn với tác phẩm viết theo nhiều thể loại. “Chỉ trong vòng 5, 6 năm, ông đã có một số tác phẩm kỷ lục mà chủ đề, nội dung nói lên được thực chất tài năng nghệ thuật của ông trong dòng văn học lành mạnh, hào hùng trong một giai đoạn lịch sử nóng bỏng của dân tộc”. Ngoài những tác phẩm văn xuôi gồm có tiểu thuyết và truyện ngắn hầu hết mang nội dung cổ xúy lòng yêu nước và tinh thần quật khởi vùng lên đấu tranh đánh giặc gữ nước, ba tập thơ “Chiến sĩ hành”, “Tha La xóm đạo” và “Phấn son” của Vũ Anh Khanh cũng có chủ để tư tưởng không nằm ngoài quỹ đạo trong sáng lành mạnh đó. Nếu “Chiến sĩ hành”viết theo thể song thất lục bát thịnh hành vào thế kỷ thứ 18 đan xen nhiều nét cổ xưa đậm màu sách vở thì “Phấn son” làm theo thể thơ mới 7 chữ với cách gieo vần linh hoạt nhưng vẫn không thoát khỏi âm hưởng Đường thi thỉnh thoảng có những cặp câu thơ đối nhau : Hương dâng lẻo bẻo, chim trời hót / Pháo tịt ngòi xuân, súng nổ giòn ; thậm chí có cả câu thơ toàn chữ Hán: Xuân nhật đăng lâu, vọng cố nhân (Ngày xuân lên lầu, nhớ người xưa). Đến bài thơ “Tha La” (Thơ mùa giải phóng - NXB. Sống chung, 1950) có `nơi gọi là Hận Tha La hoặc Tha La xóm đạo thì người yêu thơ đã dễ dàng cảm nhận ra phong cách, bút pháp của nhà thơ Vũ Anh Khanh có nhiều điểm khác biệt rõ nét với Chiến sĩ hành và Phấn son. ** Bài thơ Tha La, dài 92 câu được Vũ Anh Khanh viết theo thể thơ mới 4, 5 hoặc 8 chữ, có thể gọi là thơ tự do bởi cường độ cảm xúc của nhà thơ quá mãnh liệt dồi dào. Bài thơ lấy nguồn cảm hứng từ một xóm đạo cùng tên mà tác giả đã một lần cùng nhà thơ Kiên Giang Hà Huy Hà có dịp đến viếng. Nguyên tên Tha La phát nguyên từ tiếng Khmer là Schla, đọc trại ra thành Tha La có nghĩa là trạm, trại… Là vùng đất xưa nơi người Chân Lạp định cư, Tha La trước kia còn rừng rậm hoang vu được quan quân và con dân cúa Nguyễn đến khai phá và định cư từ hơn 200 năm trước. Đất Tây Ninh có nơi cùng mang tên Tha La như sông Tha La ở huyện Tân Châu. Hiện nay, Tha La xóm đạo, thuộc xã An Hòa, Trãng Bàng, Tây Ninh, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 55 km. Khi Pháp chiếm Nam Kỳ, việc truyền đạo Thiên Chúa được nhà cầm quyền Pháp khuyến khích và giúp đỡ. Giáo dân gom tụ lại Tha La đông hơn và họ đạo Tha La được chính thức thành lập, trực thuộc Tòa thánh La Mã. Nhờ thực dân Pháp cho phép, họ đạo Tha La phát triển ngày càng mạnh mẽ, vững vàng. Tuy nhiên, người Công giáo không quay lưng lại với dân tộc. Mùa thu năm 1945, thanh niên Tha La nhất là thành phần trí thức đã tích cực tham gia phong trào kháng chiến ở Nam Kỳ. Vào chính thời điểm này, nhà thơ Vũ Anh Khanh cũng gia nhập phong trào yêu nước đi theo kháng chiến. Bài thơ cho thấy rằng người Công giáo yêu nước kính Chúa trong xóm đạo Tha La, đã đặt tình yêu hương tổ quốc lên trên hết. Từ hiện thực hào hùng của đất nước, cảm xúc nghệ thuật dạt dào thể hiện lòng yêu nước nồng nàn, Vũ Anh Khanh đã sáng tác bài thơ Tha La. Tha La là một bức tranh rực rỡ sắc màu với chi tiết tỉ mỉ, điểm xuyết bằng hình ảnh sống động mà tác giả về thăm trong một ngày nắng đẹp: Đây Tha La xóm đạo / Có trái ngọt cây lành /Tôi về thăm một dạo / Giữa mùa nắng vàng hanh. Với câu năm chữ, vần chính gián cách (đạo/ dạo, lành/ hanh), ngôn ngữ màu sắc dung dị, dễ thương (ngọt, lành, vàng hanh), tác giả sớm giới thiệu người đọc cái bối cảnh không gian thời gian bằng những nét hiện thực ở một xóm đạo ven rừng. Xóm đạo Tha La hiện ra với vẻ đẹp thanh bình yên ả. Tình cảm quê hương đan lồng trong xúc cảm tôn giáo qua hình ảnh những con chiên ra trận khi chiến tranh ập đến gây điêu linh tang tóc cho đồng bào. Đã không hiếm lần ta bắt gặp hình ảnh giáo đường và chiến trường trong “Hoa trắng thôi cài trên áo tím” của nhà thơ Kiên Giang : Từ lúc giặc ruồng vô xóm đạo / Anh làm chiến sĩ giữ quê hương / Giữ màu áo tím người yêu cũ / Giữ cả lầu chuông nóc giáo đường. Đó là hai biểu tượng đối cực giữa chiến tranh và hòa bình nhưng cũng là những mâu thuẫn xét trong ý nghĩa niềm tin. Tôn giáo cấm sát sinh nhưng giết quân thù lại là việc làm đúng với đạo nghĩa nhân văn (Bình Ngô Đại cáo) của dân tộc trong hoàn cảnh đất nước bị xâm lăng. Ở một bình diện khác, những con chiên nặng lòng với Chúa, một tôn giáo đến từ phương Tây nhưng vẫn đứng về phía dân tộc mình trong cuộc chiến đấu chống lại những người đã mang Chúa đến với họ. Dù vậy, cảm xúc tôn giáo và cảm xúc yêu nước không đối lập mà hòa quyện vào nhau. Con chiên của Chúa dẫu ở chiến trường máu đổ, trước sau vẫn giữ tấm lòng lương thiện. Đó là cái thiện bản chất vốn có của dân tộc xưa nay : Lạy đức Thánh Cha / Lạy đức Thánh Mẹ / Lạy đức Thánh Thần / Chúng con xin về cõi tục để làm dân. Trên nền tảng phóng khoáng của thể thơ tự do câu dài ngắn đan xen, bài thơ Tha La với lời lẽ mượt mà tuôn chảy như một bản nhạc. Tiết điệu lúc khoan lúc nhặt như tâm trạng con người khi trầm tư lúc dồn dập. Những câu thơ dài tả tình dàn trải theo bước chân người viễn khách gây cho người đọc cái cảm giác thư thái. Biện pháp điệp ngữ, điệp cấu trúc câu thơ ngắn rất thành công trong việc tạo cảm giác sôi nổi, hăng hái, dập dồn : Tha La giận mùa thu / Tha La hận quốc thù / Tha La hờn quốc biến / Tha La buồn tiếng kiếm / Não nùng chưa, Tha La nguyện hy sinh. Câu thơ dài buông xuống bất chợt mang giai điệu như một nốt lặng sau một đoạn nhạc hùng dồn dập. Bài thơ mở ra cái không khí câu chuyện về một chuyến đi với chi tiết thuật sự, tả cảnh…về sau thu dần vào thế giới nội tâm của nhân vật trữ tình với lời đối thoại giữa người viễn khách và vùng đất Tha La. Rồi sau đó lại vẽ ra bối cảnh đối thoại giữa người viễn khách và cụ già. Ở đây, tác giả có lẽ đã cố ý dùng nhiều từ ngữ Hán Việt và những hình tượng ước lệ tượng trưng như: lửa loạn, tiếng địch, tiếng kiếm, viễn khách, chiều xưa lửa dậy,… Nhiều đoạn trong bài thơ dài hơn 90 câu này khiến cho người đọc nhớ lại cảm thấy như gần gũi với không khí phảng phất màu huyền thoại cổ tích trong bài thơ Bến My Lăng của nhà thơ Yến Lan với hình ảnh người khách và ông lão. Bài thơ khép lại bằng biện pháp vĩ thanh, lập lại đoạn đầu với khung cảnh thanh bình của xóm dạo Tha La, nhưng nhà thơ Vũ Anh Khanh đã thổi vào đó một cảm xúc khác không quạnh quẽ, đìu hiu mà thanh bình yên ả. Nhà thơ đã mở ra một ước vọng về một ngày mai thanh bình không còn giặc giã nơi Xóm đạo Tha La. Chung kết lại, với sự nghiệp văn chương đa dạng gồm có tiểu thuyết, truyện ngắn và thơ tuy không là đồ sộ nhưng Vũ Anh Khanh vẫn được văn học sử đáng giá là một nhà văn xuất sắc trong kháng chiến chống Pháp. Vũ Anh Khanh xứng đáng là một nhà văn xuất sắc của dòng văn học yêu nước Nam bộ trong 9 năm tranh đấu hào hùng của dân tộc. Ngày nay, mỗi khi nói đến bộ phận thi ca yêu nước ở miền Nam, người yêu thơ trước tiên phải nhắc đến bài thơ Tha La, một tác phẩm bất hủ xứng đáng để đời của Vũ Anh Khanh, một hồn thơ-chiến sĩ.22. 09. 2021 Nguyễn Thanh

Xem

NHỮNG VẦN THƠ THÉP Nguyễn Thanh

Những vần thơ thép8 Tháng Năm, 202142Nguyễn Thanh“Con sẽ vót nhọn thơ thành chôngXuyên vào gan lũ giặc”(Vanchuongphuongnam.vn) – “Tiếng sấm” Đồng Khởi Bến Tre (1960) nổ ra như trời long đất lở, âm vang dai dẳng nhiều năm khiến chế độ ăn theo đế quốc Mỹ còn kinh hoàng lo sợ. Ở miền Nam, chính quyền đương thời gia tăng bắt lính khắp nơi để đôn quân, không chừa cả sinh viên, giáo viên ở các trường học.Năm 1963, bị gọi đi quân dịch, tôi bỏ Trường Trung học Long Mỹ (nay thuộc Hậu Giang), lánh về Cần Thơ xin dạy Việt văn tại Trung học tư thục Hậu Giang ở đường Quang Trung (Cần Thơ). Sau khi Nguyễn Văn Trỗi đặt mìn nơi cầu Công Lý (1964), định giết Mac Namara, bộ trưởng quốc phòng Mỹ sau đó hai năm (tháng 6/1966) đã cho xây dựng hàng rào điện tử tại khu phi quân sự ở vĩ tuyến 17 và dọc đường mòn Hồ Chí Minh cộng với vụ ngụy tạo sự kiện vịnh Bắc bộ, đế quốc Mỹ bắt đầu cho đỗ quân ồ ạt vào miền Nam. Đồng thời, lầu Năm góc cũng phà hơi cho chế độ cộng hòa bắt lính đôn quân nhằm đối phó với tình thế nguy ngập. Nhiều sinh viên học sinh tiến bộ không cam chịu nỗi cảnh ra tay đàn áp dã man đồng bào và tín đồ Phật tử yêu nước, từ những ngày tàn lụn của chính quyền Ngô Đình Diệm, đã hăng hái tham gia xuống đường chống đối chế độ đương thời. Tiêu biểu xứng đáng cho tuổi trẻ và văn nghệ sĩ trong phong trào yêu nước ở các đô thị miền Nam giai đoạn này là nhà thơ Trần Quang Long, sinh viên trường Sư phạm Quốc học Huế.Nhà thơ Trần Quang Long.Trần Quang Long (1941-1968), nguyên quán ở Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội. Cha mẹ anh, ông bà Trần Quang Minh có 18 người con, khi vào định cư ở Huế sinh ra Long là con trai thứ 5. Thân phụ Long đặt tên các con gái đều là Liên nhưng đến cô gái thứ 12, anh xin cha đặt tên em gái là Kiên Trinh vì trong tâm thức anh đã hé mở ra trước con đường dấn thân đấu tranh cho Tổ quốc. Long bắt đầu làm thơ từ lúc 17 tuổi khi anh học Đệ Nhất (nay là lớp 12) trường Quốc học Huế. Những bài thơ tình học trò đầu đời đã chứng tỏ anh khả năng làm thơ tinh tế của anh: Sao em biết anh nhìn mà nghiêng nón…/ Bước nhẹ nghe em kẻo động vỡ tơ chiều…/ (Nghiêng nón). Những năm ở tuổi hai mươi, Trần Quang Long đã có những vần thơ nói lên nỗi lòng đau đáu trước thời cuộc: Ừ thôi em ở lại/ Còn gì nữa mà mong/ Quê hương mình điêu đứng/ Nhạt phai những má hồng.Thơ Long làm từ những năm còn học Đại học (1961-1962), đã có dấu hiệu của ý thức phản kháng. Nhưng khoảng thời gian 5 năm (1963-1968) ngắn ngủi cuối, Trần Quang Long mới thực sự dấn thân vào thơ và cuộc đời tranh đấu cho quê hương. Gia đình vốn theo đạo Tin Lành nhưng Trần Quang Long không thuộc loại con chiên ngoan đạo. Năm 1963, một đêm trăng thanh gió mát ngày lễ Phật Đản, Long cùng một người bạn gái đến bên bờ sông Hương xem thả đèn. Tới gần đầu cầu Trường Tiền, anh đã đau lòng chứng kiến tận mắt cảnh lính Ngô Đình Diệm dùng xe tăng, lựu đạn đàn áp dã man tín đồ Phật giáo. Thế là, Long bắt đầu sát cánh cùng lực lượng sinh viên Phật tử đấu tranh từ đó. Anh là người sáng lập ra Phong trào Sinh viên Học sinh chống chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm. Trần Quang Long phụ trách luôn ban Báo chí của Tổng hội Sinh viên Huế, chủ trương tạp chí Đất mới, sáng lập nhóm Thanh niên chống xa hoa phóng đảng đồng thời mở Quán Bạn, nơi lui tới của sinh viên học sinh Huế. Thực chất đây là tổ chức chính trị của sinh viên chống âm mưu ru ngủ thanh niên của đế quốc Mỹ và chế độ bù nhìn đương thời ở miền Nam. Tháng 8 năm 1963, Trần Quang Long bị tay chân Ngô Đình Diệm bắt bỏ tù. Mùa hè năm này, tôi cũng phải bỏ dạy ở trường trung học Long Mỹ, lánh về Cần Thơ dạy tư vì bị gọi đi học sĩ quan Thủ Đức. Sự chống đối chế độ đương thời làm tôi nhớ lại: trước đây năm (1958), khi tôi đang học lớp Đệ Nhị đã có cô nữ sinh trẻ đẹp lớp Đệ Ngũ – Phạm Thị Hồng Hạnh có nhà ở bên kia bờ Sông Cái Khế, nhìn sang hồ Xáng Thổi, đang học trường trung học Phan Thanh Giản, bị đuổi học vì đã làm bài thơ “Cây tre” đả kích chế độ Ngô Đình (1).Khi Long bị giam ở Huế, có một mục sư được chính quyền đương thời cử đến nhà giam, đề nghị nhà thơ ký tên vào tờ cam kết để được bảo lãnh, trở về đoàn tụ với gia đình. Trong văn bản soạn sẵn trước có câu: “Chúng tôi trẻ người non dạ, bị Việt Cộng lợi dụng…”. Giữ thái độ phớt tỉnh như không có gì, Trần Quang Long từ chối ký tên, mỉm cười với lời diễu cợt: “Bạn bè ở tù hết, về trước một mình chơi với ai?”. Khi Diệm bị giết, Long mới được trả tự do. Ra tù, anh tiếp tục ra báo và in các tập thơ: Sinh viên Huế, Đất mới, Dân (1964). Anh Nguyễn Hữu Ngô, em rể Long, chồng chị Kiên Trinh, nhắc lại: có lần ra Quảng Trị, Trần Quang Long đã đến đầu cầu Hiền Lương đăm đăm nhìn lá cờ Tổ quốc hoành tráng, phất phơ trên đỉnh cao cột cờ bờ Bắc. Long vội bảo anh Ngô và Hoàng Phủ Ngọc Tường chụp cho tấm ảnh mình đứng dưới lá đỏ sao vàng “Rực rỡ sao vàng, hoa vĩ đại” (Vũ Hoàng Chương) đang đường bệ tung bay bên kia bờ giới tuyến.Năm 1964, khi sắp tốt nghiệp Đại học, Trần Quang Long lại bị bắt bỏ tù vì bài thơ “Hồi kết cuộc” đăng trên tờ báo Dân số 3, phản đối trò triển lãm xác Việt Cộng của tướng cộng hòa Nguyễn Chánh Thi. Cha mẹ phải bán ngôi nhà ở đường Hàng Bè lo lót cho Long ra tù để thi tốt nghiệp. Năm 1965, Trần Quang Long gia nhập Hội Liên hiệp Thanh niên – Học sinh Sinh viên Trung Trung bộ. Sau đó, anh được đưa vào vùng giải phóng Điện Bàn – Quảng Nam tập huấn một thời gian. Cuối năm, sau khi tốt nghiệp Đại học, Trần Quang Long được bổ đi dạy tại trường Trung học Cường Để, Qui Nhơn. Nơi đây, Long vừa đi dạy học, vừa hoạt động không mệt mỏi trong phong trào đấu tranh của Sinh viên – Học sinh Qui Nhơn: thảo truyền đơn, vẽ biểu ngữ chống chiến tranh, kêu gọi hòa bình và tham gia phong trào Lực lượng Bảo vệ Văn hóa Dân tộc tỉnh Bình Định. Trong những bài thơ: Buổi sáng ở đống rác, Bài học cuối năm, Trần Quang Long đã vẽ lên hình ảnh bà cụ già tóc bạc phơ, em bé ốm nhom và những học sinh bỏ học đi moi rác, lang thang bụi đời hay làm sở Mỹ để kiếm sống. Nội dung những bài thơ Long làm đã hun nóng ý thức dân tộc của tuổi trẻ. Đối phó phong trào đấu tranh, địch dùng xe vòi rồng, lựu đạn cay, ma trắc đàn áp không nương tay thầy trò trường Bồ Đề, Cường Để, Qui Nhơn. 119 thầy giáo và học sinh bị bắt trong số đó có nhà giáo trẻ Trần Quang Long. Trước khi Long vào tù, một học sinh đã cởi chiếc áo trắng lốm đốm máu me đang mặc trên người, đưa cho thầy Long, đề vào bài thơ tứ tuyệt, ca ngợi tinh thần đấu tranh của học sinh. Chiếc áo có bài thơ đẫm máu được chuyền nhau lấy chữ ký tên của học sinh và giáo viên, hiện nay còn được giữ tại nhà ông Lương Quang Phúc tại Qui Nhơn. Đây là lần thứ tư, Long bị địch bắt, gia đình lại một lần nữa bỏ tiền lo chạy cho anh ra tù.Cuối năm 1966, anh được điều đi dạy lại tại trung học Phan Thanh Giản (Cần Thơ) tận miền cuối Việt để cách ly anh với phong trào đấu tranh của tuổi trẻ ở Huế và Qui Nhơn. Tại đất Tây Đô lạ cảnh lạ người, lúc đầu Long dè dặt nhưng lập tức sau đó không lâu, anh tìm cách nối đường dây hoạt động với phong trào. Là sáng lập viên hội Sinh viên sáng tác thuộc Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, Trần Quang Long tuyển chọn và xuất bản tập thơ “Tiếng hát những người đi tới” để cổ vũ phong trào đấu tranh. Tình hình sôi động của đất nước lúc bấy giờ là thời tiết thuận lợi cho sự ra đời rầm rộ những sáng tác mang tính thời sự đậm đặc và tính chiến đấu nóng bỏng của nhà giáo – nhà thơ yêu nước. Để tránh sự theo dõi của địch, Trần Quang Long ký với nhiều bút danh khác nhau khi sáng tác: Trần Quang Long, Cao Trần Vũ, Chánh Sử, Thảo Nguyên, Trần Hoàng Phong và một bí danh vô cùng quyết liệt là B40. Những tác phẩm của Long không thuộc loại được phổ biến công khai lúc ấy, nên những dịp lên Sài Gòn, tôi chỉ có thể tìm mua thơ, truyện của anh tại các vĩa hè bán sách nơi chợ cũ. Trừ tập thơ nổi tiếng “Thưa mẹ, trái tim” được in ty-po thành sách không thấy ghi nhà xuất bản, còn lại hầu hết các tác phẩm của Trần Quang Long như: Bông cúc vàng (tập truyện), Vực thẳm và hy vọng (thơ), Tiếng gọi Lam Sơn (kịch thơ, dài 1000 câu)… đều chỉ in với hình thức ro-néo.Thời gian dạy học tại Cần Thơ, anh lên xuống hoạt động ở Tổng Hội Sinh viên Sài Gòn và thăm gia đình sau khi kết hôn với Tôn nữ Quỳnh Như, nữ sinh trường Gia Long, con gái của giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ, Tổng thư ký Mặt trận Liên minh các lực lượng Dân tộc – Dân chủ và Hòa bình. Có lúc chị Quỳnh Như cũng bị bắt giam… Anh Long và chị Quỳnh Như (tên ở nhà là Ngọc) có với nhau được một con trai đặt tên là Trần Xuân Thắng. Sau một ngày được báo tin vợ sinh con, Trần Quang Long hy sinh chung cùng ngày 11/10/1968 với nhà văn Trần Triệu Luật trong một địa đạo ở Tây Ninh vì một quả bom đìa 500 kg thả xuống từ phi cơ Mỹ. Chị Quỳnh Như vẫn ở góa nuôi con cho đến khi mất vào năm 1978 vì bệnh gan tại TP. Hồ Chí Minh.Tại Cần Thơ, vùng đất trù phú của thi ca miền Tây Nam bộ, từ trước đã có phong trào văn nghệ báo chí tiến bộ (nổi bật là tạp chí Văn nghệ Miền Tây do Ngũ Lang – Nguyễn Thanh chủ trương) cùng với các bút nhóm, văn đoàn và một nhật báo. Năm 1964, tờ báo Miền Tây (Chủ biên: An Khê), đặt tòa soạn ở đường Thủ Khoa Huân, đã đăng bài khảo luận cháy bỏng lửa đấu tranh: “Hồn nước trong thi ca Việt Nam” (4) của Nguyễn Thanh. Nhìn chung, đa phần phong trào văn nghệ báo chí ở Tây Đô lúc này chưa có hướng đi và lập trường rõ ràng. Nhiều người cầm bút chưa thực sự đánh thẳng vào bộ mặt, chân tướng kẻ thù dân tộc chính là đế quốc tàn ác và chính quyền ăn theo đã gây ra chiến tranh tang thương, đau khổ cho đồng bào. Tuy nhiên vẫn hiện diện trong văn học ở đây những cây bút tiến bộ, xuất thân là nhà giáo và sinh viên – học sinh. Họ có lương tâm, mạnh dạn viết được những vần thơ nóng bỏng mà không ngại đến hệ lụy có thể xảy đến cho mình. Cụ thể trong Văn nghệ Miền Tây (5) – số 3 – Xuân Mậu Thân đã có những vẩn thơ có lửa: “Bom đạn vẫn cày sâu mả mẹ/ Thịt xương còn lấp ngất sông đào/ Tức quân tàn bạo, bày mưu cáo/ Hận lũ xâm lăng giở chước Tào” (Xuân nguyện – Ngũ Lang); “Quỷ đen quỷ trắng đùng đùng hiện ra/ Tanh hôi, man rợ tràn nhà/ Hương trinh Trưng Triệu bây giờ còn đâu…” (Trước mặt và trong hồn – Trường Dạ Lữ); “Bàn tay đẹp, tay cùng tay nắm chặt/ Lòng nối lòng nung nấu lửa hăng say/ Bẻ xiềng gông, tiêu diệt lũ ngoại lai/ Đem ánh sáng tự do về đất mẹ” (Bàn tay đẹp – Nguyễn Thanh); “Tôi muốn bắc loa sang trời Nửu Ước/…Người dân Nửu Ước có biết không/ Những con đường Việt Nam bị cày lở/ Những vũng sình ướt máu/ Những đồng ruộng điêu tàn”… (Xin em nhìn về quê hương – Lý Thị Kim Xương)…Thời gian này, Đại học Cần Thơ mới vừa thành lập chưa có tổng hội Sinh viên. Trong những lần họp mặt bàn chuyện thời sự, số sinh viên có tư tưởng tiến bộ, quan tâm tích cực đến thời cuộc, thường mượn chùa Khánh Quang (đường Nam Kỳ Khởi nghĩa ngày nay) của nhà sư yêu nước Thích Huệ Thành được coi là một vị trí thuận tiện để hội họp. Sư trụ trì chùa – thượng tọa Thích Huệ Thành vốn là tu sĩ yêu nước, vóc người cao lớn phong độ, tỏ ra rất uy tín với tín đồ và khách thập phương. Trong một lần gặp gỡ quá giữa năm 1967, có mặt GS. Nguyễn Bá Thảo (2), GS.Nguyễn Đức Minh (3), SV Hồ Hữu Nhựt (Chủ tịch Tổng Hội Sinh viên Sài Gòn vừa đắc cử vào ngày 30/04/1967) với nhóm sinh viên năm đầu tiên của Đại học Cần Thơ: Nguyễn Tấn Thành (Ban Việt Hán), Nguyễn Văn Tư, còn gọi là Tư Lùn (Ban Khoa học), Nguyễn Hữu Hiếu (Ban Địa lý)… và Trần Quang Long.Long vóc người tầm thước, tóc bùng, giọng Trung nhỏ nhẹ, khuôn mặt phong trần thoáng vẻ khinh bạc nhưng đôi mắt trữ tình mà cương quyết. Trong hoàn cảnh anh như kẻ bị lưu đày, còn tôi là người trốn lính, cả hai đều “Cùng một lứa bên trời lận đận” (thơ Tỳ Bà hành), trước khi vào chiến khu Tây Ninh, đồng khí tương cầu, Long đã tâm sự nhiều với anh em văn nghệ tiến bộ tại Tây Đô về tình hình đất nước tại một quán cà phê vĩa hè ở nội ô thành phố. Với Trần Quang Long, những bài thơ nổi tiếng nhất được sáng tác trong giai đoạn anh về dạy học tại Cần Thơ là: Thưa mẹ – trái tim, Lớn lên không ngừng, Nụ cười chiến thắng… Ấn tượng nhất là những câu thơ như lời tuyên thệ, về tình cảm anh với mẹ cha và đất nước: “… Trả thù cho cha, rửa hờn cho nước/… Nếu thơ con bất lực, con xin nguyện trọn đời/ Dùng chính quả tim mình làm trái phá/ Sống chết một lần thôi”. Riêng bài thơ “Nụ cười chiến thắng” dài 60 câu, được Trần Quang Long viết trong nỗi xúc động ngập tràn sau khi xem phiên tòa xử chị Võ Thị Thắng, nữ sinh trường Áo tím Sài Gòn tham gia Tự vệ thành, bị bắt trong Tổng Tấn công Mậu Thân – 1968. Khi nghe tòa án quân sự cộng hòa tuyên xử 20 năm khổ sai, chị Võ Thị Thắng nở nụ cười lạc quan, thể hiện tư thế người chiến thắng. Bằng những nét chấm phá linh động đầy màu sắc, nhà thơ Trần Quang Long đã cho ta một hình tượng đẹp của tuổi trẻ Sài Gòn bất khuất ngày nào: “Người nữ sinh Gia Long/ Giữa đất Sài Gòn đói nghèo khốn khổ/ Giã từ nhà trường xếp chồng sách vở/ Khoác bà ba đen, bàn chân nhỏ lên đường”. Trong bối cảnh nhà cửa thành phố nhan nhản những khẩu hiệu “Mỹ cút về đi, viết trắng tường/ Bải khóa, đình công đỗ xuống đường” (Trần Quang Long), bài thơ “Thưa mẹ, trái tim” của anh xứng đáng là viên ngọc quý long lanh trong đại ngàn thi ca yêu nước của dân tộc.Tóm lại, ta có thể nói, cuộc đời và sự nghiệp văn chương được tinh kết bằng ý chí quyết thắng của Lý Thường Kiệt (Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời), chất thép của Hồ Chí Minh (Nay ở trong thơ nên có thép), bom đạn của Sóng Hồng (Mỗi vần thơ, bom đạn phá cường quyền), trên dáng đứng tầm cao thế kỷ của Lê Anh Xuân. Trần Quang Long thực sự đã tạc nên những vần thơ mãnh liệt về tình yêu tổ quốc không phải bằng mực tím mồng tơi mà bằng những dòng máu nóng của trái tim mình trên chính mảnh đất quê hương. Thơ Trần Quang Long đích thực là bản tuyên ngôn thi ca về lòng yêu tổ quốc và văn hóa dân tộc – một thông điệp văn chương gởi cho kẻ thù cùng bọn bồi bút, không chỉ riêng của một thời chống Mỹ: “Con sẽ vót nhọn thơ thành chông/ Xuyên vào gan lũ giặc/ Con sẽ mài thơ thành kiếm sắc/ Chặt đầu văn nghệ tay sai” để cảnh báo trước cho mọi mô hình xâm lược, kịch bản thâm độc nào dù chỉ một cành cây, một tấc đất của non sông gấm vóc Việt Nam.N.T

Xem

VỀ TUYỂN TẬP "BÚT HOA 1" (VIỆT-ANH-PHÁP-HOA)

LƯU Ý: Các văn nghệ sĩ gửi bài cho Tuyển tập Thơ Biên dịch " Bút hoa 1" gồm 15 tác giả :- Gửi 3 bài để dễ chọn - Mỗi bài từ 4 -15 câu, mới sáng tác trong nửa năm gần đây và chưa hề đăng báo, tạp chí, Web, Facebook... nào.- Chỉ gửi qua Email: diemthi1965@gmail.com để tiện sắp xếp.-Để khỏi làm phiền các bạn, Nguyễn Thanh chỉ nhận bài của các tác giả mà người biên tập chủ động mời.-Không giới hạn thể loại, miễn là bài thơ hay, có giá trị nghệ thuật.-Thời gian từ 1/3/2021 đến 30/4/2021. Hiện nay, Nguyễn Thanh đã nhận được bài của : Sơn Hiệp, H V Bá, Đặng Phúc Minh, P T Thúy Kiều, Quốc Nam, N X Vũ, Phạm Văn Thúy, Quốc Nam, N Trọng Tín, Trịnh Bửu Hoài, Lê Đình Bích, Lương Ngọc An, L M Hinh... * Cung cách thực hiện: -Mỗi bài thơ dịch ra Anh, Pháp và Hoa kem theo lời bình và tiểu sử tác giả.-Có tranh nền, minh họa và phụ bản mỹ thuật (không nhiếp ảnh, không nhạc, không thư pháp).LIÊN HỆ TRỰC TIẾP: để biết thêm chi tiết nhưng phải hẹn trước:NGUYỄN THANH- 0918.746 104Tại: 9 Võ Thị Sáu, Ninh Kiều, TP. Cần Thơ (Ngoại ngữ Đăng Khoa)

Xem
Processing...