Chủ điểm

"BỨC TRANH LỊCH SỬ" CỦA ĐAN THANH

Danh họa Nguyễn Sáng (1923-1988), là một nghệ sĩ cách mạng đinh cao gốc người Nam bộ. Ông sinh ra tại làng Điều Hòa, tỉnh Mỹ Tho (nay là Tiền Giang), trong một gia đình trung lưu có ba anh em : cha là thầy giáo, mẹ làm nghề buôn bán. Anh cả ông là Nguyễn Văn Nên, một viên chức thời Pháp thuộc, em trai là Nguyễn Văn Hoa dạy tiếng Anh tại Sài Gòn.

Xem

MINH CHÍ-VUA XÀNG XÊ MỘT THỜI VANG BÓNG Tương Như

Minh Chí- vua xàng xê một thời vang bóng 18:04 30/07/2019 Tác giả: Tương Như Trong thế giới nghệ thuật cải lương mông mênh khoảng bắt đầu từ năm 1950 đến gần cuối thế kỷ hai mươi, công chúng mộ điệu sân khấu dân tộc và ký giả kịch trường cả nước đã tinh tế tặng cho nghệ sĩ biểu diễn chuyên nghiệp những nghệ danh rất đa dạng, nghe không kém phần thú vị. Những nghệ danh này được khai sinh xuất phát từ cảm nhận nghệ thuật và sự đánh giá của khán giả, dựa vào tài sắc và phong cách ca diễn đặc biệt của mỗi nghệ sĩ. Nữ hoàng sân khấu Thanh Nga, vua vọng cổ Út Trà Ôn, sầu nữ Út Bạch Lan, ông hoàng cải lương Minh Vương, chim họa mi Năm Cần Thơ, vua soạn giả vọng cổ Viễn Châu… Nhưng chắc chắn trước hết là từ cảm nhận đầu tiên của công chúng về nghệ thuật biểu diễn của nghệ sĩ qua bài ca vua vọng cổ. Tuy nhiên, cũng có nghệ sĩ nổi tiếng ở bài bản khác trong hai mươi bài ca tổ cải lương hoặc tài năng diễn xuất độc đáo mà nhận được biệt danh nghệ thuật như kép độc : Trường Xuân, Hoàng Giang; vua hề : Kim Quang, Tư Rọm…vua xàng xê Minh Chí… Nghệ sĩ Minh Chí (1924-1995) sinh ra tại Sài Gòn, có tên thật là Lê Mộng Lang xuất thân là một thanh niên lao động nghèo. Mới lớn lên, Minh Chí đêm đêm phải đi làm nghề vật bò mổ lợn ở lò heo Chánh Hưng, Sài Gòn, nên anh đã trải qua cuộc đời khá vất vả từ lúc thiếu thời. Tính mê ca hát cải lương, Minh Chí hay bắc chước hát theo các nghệ sĩ đàn anh lúc bấy giờ như Tám Thưa, Năm Nghĩa… khi được nghe lại từ trong Nghệ sĩ Minh Chí (1924-1995) thuộc thế hệ nghệ sĩ cải lương trong bốn thập niên hoàng kim của sân khấu nghệ thuật dân tộc kể từ nửa cuối thế kỷ hai mươi. Minh Chí từng là kép trẻ nức tiếng một thời với giọng ca rõ ràng, thinh âm đầy nội lực, cùng thời với các nghệ sĩ tiền phong như : Kim Chưởng (1926-2014), Ba Vân (1908-1988), Năm Nở (1909)… Ông cùng nghệ sĩ Việt Hùng (1923-2002) đã lập gáng hát Minh Chí-Việt Hùng và được công chúng nghệ thuật sân khấu phong tặng nghệ danh là “Ông vua Xàng xê” qua tác phẩm đặc sản của đoàn hát Kim Chưởng là vở tuồng Anh hùng Lạn Tương Như mà Minh Chí là kép chính. Mãi cho đến nay, tiếng hát Minh Chí hãy còn đi sâu vào tâm khảm quần chúng đã là một phần thưởng xứng đáng cho một nghệ sĩ tận tụy cống hiến suốt đời cho nghệ thuật sân khấu nước nhà. 1các máy hát dĩa nhựa quay dây thiều qua các đài phát thanh. Thỉnh thoảng, Minh Chí cũng có dịp chăm chú theo dõi các buổi đờn ca tài tử tại tiệc cưới, đám giỗ trong xóm và cũng được các ban đờn ca tài tử địa phương mời tham gia biểu diễn. Trời cho được giọng hát hào sảng, thanh âm đầy nội lực, dần dần tiếng lành đồn xa, nhiều bầu gánh để vào mắt xanh, Minh Chí bắt đầu bỏ nghề làm đồ tể đi theo nghiệp cầm ca ở các đoàn hát, rong ruổi khắp làng xóm, tỉnh thành trong nước. Tiếng hát chắc nịch, rõ ràng không thể nhầm lẫn với bất cứ một nam nghệ sĩ nào của nghệ sĩ Minh Chí vang vọng từ các dĩa nhựa, dần dần trở nên quen thuộc với quần chúng yêu ca nhạc cải lương. Tại các đám tiệc ở tư gia nơi huyện lỵ thị thành đến quán cà phê bình dân và bến đò, bến xe trên kênh rạch, ruộng đồng chốn nông thôn heo hút xa xôi, đâu đâu cũng có thể nghe được giọng ca sang sảng ấn tượng của anh qua sáu câu vọng cổ nhất là phong cách ca xôm tụ thật ấn tượng ở bản xàng xê. Khi làm kép chính cho đoàn Hương Hoa, Minh Chí dù có vợ con, đã khiến cho cô đào tuổi teen Ánh Hoa (15 tuổi kém anh gần 20 tuổi) say mê. Tưởng cũng nên trao đổi thêm về vấn đề tuổi tác trong tình yêu. Người từng trải thức thời chắc chắn không ai quá so đo về tuổi tác trong chuyện hội ngộ giữa nghệ sĩ và giai nhân đồng điệu. Ai cũng biết rằng trong lĩnh vực tình yêu không bao giờ có sự phân biệt về con số tuổi tác và giai tầng xã hội “Trong tình yêu, người quý tộc và kẻ hành khất đều bình đẳng”. Người ta hay nhắc lại chuyện nhà thơ Goethe (74 tuổi), đỉnh cao thi ca Đức và thế giới, đã yêu say đắm nàng Ulrilke xinh xắn chỉ mới 17 xuân xanh. Tại miền Nam trước 1975, dư luận lâu lâu cũng thì thầm nhắc lại chuyện GS. C. G Ng khi đã quá tuổi hiếm cũng đã lọt vào vòng tay học trò N. T. H (19 tuổi) vốn là sinh viên của mình ! Dù vậy, chuyện tình của cặp đôi nghệ sĩ: Minh Chí- Ánh Hoa cũng đã khiến cho thân phụ Ánh Hoa là nhạc sĩ Văn Danh có đưa Minh Chí ra tòa về tội dụ dỗ gái vị thành niên. Nhưng rồi sau đó, mọi việc cũng trôi vào quên lãng, không ai còn nhắc tới trước những thành tựu nghệ thuật của cặp đôi vợ chồng nghệ sĩ cải lương này. Ánh Hoa và Minh Chí trở thành vợ chồng chính thức, sống chung hạnh phúc bên nhau cho đến cuối cuộc đời của ông vua xàng xê, nổi tiếng cùng thời với vua vọng cổ Út Trà Ôn. Về sở thích, lúc sinh tiền, nghệ sĩ Minh Chí rất yêu hoa phong lan. Ông nói loài hoa này thân cây cằn cỗi nhưng trong chông gai hoặc lũ mưa khô hạn, nó vẫn đơm ra hoa đẹp ngát hương. Cũng như con người, có chịu vất vả khổ đau mới đạt được thành tựu cao quý. Nghệ sĩ Minh Chí lao động nghệ thuật đúng nghĩa nên nhận được tình thương dào dạt và lòng ái mộ chân thành từ khán giả bốn phương. Nhờ lòng yêu chồng và sự chăm sóc, lo lắng chu đáo gia đình mà Ánh Hoa, một nghệ sĩ yêu nghề từ nhỏ có giọng ca 2ngọt ngào và phong cách vô bản vọng cổ độc đáo trữ tình, từng được gọi là một “Út Trà Ôn Deux” tức Út Trà Ôn Hai (Deux là Hai- tiếng Pháp). Từ những năm đầu của thập niên 1950, nghệ sĩ Minh Chí sớm nổi tiếng với giới mộ điệu cải lương khắp ba miền luôn cả ở xứ chùa Tháp và nước Lào nhờ những bộ dĩa nhựa từ máy hát quay dây thiều phổ biến các vở tuồng. Khán giả mê cải lương thuộc thế hệ sống cách đây khoảng trên dưới bảy mươi năm không bao giờ quên giọng ca mạnh mẽ qua cách nhả chữ rõ ràng của Minh Chí qua các bộ dĩa : Phất cờ độc lập, Đường về tổ quốc, Anh hùng liệt nữ… mang nhãn hiệu Việt Nam của bà Sáu Liên. Sau đó là các tuồng: Nguyễn Thái Học, Nguyệt Thu Nga, Kiều Oanh công chúa… được thu vào dĩa nhựa mang nhãn hiệu Asia trong đó tiếng ca Minh Chí được lồng ở vai chính chủ lực. Tôi còn nhớ một kỷ niệm của thời trung học tại trường Phan Thanh Giản, Cần Thơ. Năm 1955, tôi và vài bạn ở trọ trên một sàn gác xép ọp ẹp để đi học tại nhà Ông Mười Vinh, bên bờ sông Cái Khế, ngang chùa Ba Cô, gần hồ Xáng Thổi. Nhà Ông Mười Vinh là điểm Dựa mắm và dưa hấu. Những lúc rổi rảnh việc học, sau khi vui vẻ tiếp chủ nhà chuyền dưa vào nhà, bọn tôi ngồi tán hưu tán vượn, rồi chôm dưa chủ nhà ăn trong không gian chật hẹp thoảng mùi nước mắm lẫn mùi hăng hắc của sách vở học trò. Nhưng bù lại những thứ đó, lũ quỷ ở garconnière của bọn tôi được thưởng thức tiếng ca mùi mẫn của danh ca Út Trà Ôn hoặc giọng ca lanh lảnh của nghệ sĩ Minh Chí qua các tuồng hát vọng ra từ dĩa nhựa đang quay trong máy hát quay dây thiều của ông chủ nhà hiền lành, yêu thương học trò. Ấn tượng nhất không thể nào quên được là, bên cạnh giọng hát u hoài buồn vạn cổ của sầu nữ Út Bạch Lan trong vai một nữ cán bộ lại sang sảng vút lên tiếng ca dõng dạc, đầy khí thế của Minh Chí nhập vai nhà yêu nước Nguyễn Thái Học trong tuồng hát cùng tên. Người ta còn nhớ lại, vào khoảng năm 1956, Minh Chí có hợp tác với nghệ sĩ Việt Hùng - một kép đẹp nhưng hát lòn giọng nữ - để lập đoàn hát “Việt Hùng-Minh Chí. Khi trình diễn vở hát “Người đẹp bán tơ” tại rạp Văn Cầm, Phú Nhuận, Việt Hùng đóng vai Lưu Bình, Minh Chí vai Dương Lễ và Ngọc Nuôi vai Châu Long. Vở hát sớm hết vé, nhưng khán giả còn chen lấn đông nghẹt, tìm mua vé lậu để được biết mặt và nghe Minh Chí hát. ` Thời oanh liệt đỉnh điểm làm nên tên tuổi của nghệ sĩ Minh Chí là lúc anh hát cho đoàn Kim Chưởng - đệ nhứt anh hùng lưu diễn - qua vở cải lương “Anh hùng Lạn Tương Như”. Nhờ vở tuồng này, trong vai chính Lạn Tương Như, Minh Chí được khán giả phong tặng cho anh nghệ danh “ Vua Xàng xê”. Trong vở hát “Anh hùng Lạn Tương 3Như” của soạn giả Tích Dẫn, có đoạn Lạn Tương Như lĩnh sứ mệnh mang ngọc bích củanước Triệu đem dâng cho vua Tần để đổi lấy ấp Bái. Ỷ mình nước lớn, Tần Thủy Hoàng mưu toan chiếm đoạt ngọc bích mà không giao ấp Bái. Biết lâm vào tình thế cùng đường ngặt nghèo, Lạn Tương Như xem như thất bại, không còn mặt mũi nào trở về nước Triệu. Biết ý định thâm độc của đối tác, Lan Tương Như phản biện, ngăn cản vua Tần qua câu mở đầu bản xàng xê: Khoan ! Nếu như Tần Vương toan dùng bạo lực cưỡng đoạt ngọc Bích Quan, thì đây là viên ngọc của Triệu bang, Tương Như thề đập cho nát cho tan rồi mới chịu chết oan dưới lưỡi gươm của bạo chúa Thủy …Hoàng/ Tôi đã ra đi là vì thanh danh, phẩm giá/ Tôi đến đây là vì quốc gia, vì sứ mạng/ Để đem viên ngọc bích này đổ về ấp Bái cho Triệu bang. Khán giả vỗ tay dòn dả như bắp rang khi Minh Chí vừa mạnh mẽ quyết liệt vô xàng xê và cá tính dứt câu đầu bằng chữ xề … không khác nào nghe Út Trà Ôn ngọt ngào vô vọng cổ lúc dứt chữ hò. Trong hai mươi bản tổ cải lương: sáu bắc, ba nam, bảy hạ, bốn oán, mỗi bản dài ngắn khác nhau và có ý nghĩa riêng trong việc mục đích sử dụng. Vọng cổ, với giai điệu mùi mẫn lâm ly dùng cho hoàn cảnh đau thương, nghiệt ngã. Hoài tình mang tính cách kể lể khóc than trong khi bản Hoa chúc mang ý nghĩa chúc tụng vui vầy … trong các lễ hội liên hoan. Với Minh Chí, nhờ may mắn sở hữu làn hơi thiên phú cọng với phong cách ca diễn sinh động hào hùng, nghệ sĩ đã lấy được sự ngưỡng mộ cao quý và cảm tình nồng hậu của công chúng cải lương lúc bấy giờ. Thời hiện đại công nghệ, kỹ thuật số mang đến cho con người vô vàn thuận lợi tiện nghi giải trí với vô tuyến truyền hình, video, điện thoại thông minh…nhưng dường như cũng đã vô tình và âm thầm khiến cho hoạt động nghệ thuật sinh động, đầy màu sắc của sân khấu cải lương ngày một yên ắng đi xa ! Ngày nay, có những khán giả cao tuổi say mê đờn ca tài tử cải lương đôi không khỏi khi ngậm ngùi tiếc nuối trong hoài niệm. Thế hệ trẻ không có cơ hội thấy tận mắt một thời huy hoàng của hoạt động sân khấu dân tộc tưng bừng dưới ánh đèn màu lung linh, bên những tấm cánh gà mang tính lịch sử. Trong bao nỗi hoài niệm nghệ thuật đó có sự im vắng những tiếng hát cải lương đỉnh cao bất tử của một thời vang bóng như : nữ hoàng sân khấu Thanh Nga, vua vọng cổ Út Trà Ôn, vua xàng xê Minh Chí…

Xem

MỜI BẠN ĐỌC " ÔNG HOÀNG THƠ TÌNH PHÁP" CỦA NGUYỄN THANH

TRÊN BÁO VĂN NGHỆ TỪ 1/07/2019 Chuyện vô cùng thú vị của một danh sĩ ở phương xa giúp bạn nhớ lại những dòng thơ của thi sĩ nổi tiếng Nguyên Sa " Paris có gì lạ không em/ Mai anh về giữa bến sông Seine/ Anh về giữa một dòng sông trắng/ Màu trắng sương mù hay áo em - Nguyễn Thanh giới thiệu

Xem

ĐỘC HÀNH Nguyễn Thanh

Ta biết yêu từ chớm tóc xanh/ Đêm đêm thức trắng viết thơ tình/ Đón hương góp gió muôn phương lại/ Mà suốt đời ta vẫn độc hành...

Xem

NGÀY XUÂN COI HÁT CỌP - Phương Đình

Tuổi thơ tôi là những năm dài bão giông ly loạn ở làng quê trong những ngày thực dân Pháp trở lại xâm lăng Nam bộ. Ngôi trường tiểu học cổ kính bằng gạch đã rêu phong, bên cạnh đình làng đã bị giặc bắn phá nát tan trong một trận ruồng bố dữ dội của bọn giặc Tây

Xem

MÀU TẾT QUÊ XƯA

Nguyễn Thanh MÀU TẾT QUÊ XƯA Truyện ngắn Tôi nhớ lại cả một thời thơ ấu xa cách làng quê ra tỉnh học, vào buổi sáng muộn thứ bảy cuối tuần những ngày giáp Tết, sau lễ đưa Táo Quân về trời báo cáo lại tin tức ở trần gian, tôi thường hẹn các bạn học tại nhà trọ bên bờ sông Cái Khế, để cùng nhau về quê nghỉ Tết. Bầu trời cao lồng lộng trong xanh, mượt mà tráng gương như được quét sạch bởi cơn gió đông hắt hiu se lạnh từ con sông Hậu mênh mông, xao xác thổi về hơn mấy tuần qua. Với túi sách vở trĩu nặng và quần áo lủ khủ bên hông, anh em vui vẻ, mặt mày hí hởn, lũ lượt kéo đi một đoàn như bầy vịt. Ôi, biết bao nhiêu ước mơ trong sáng hiện ra trong tâm khảm khi tôi được về gặp lại cha mẹ yêu thương, anh em ruột thịt ở quê nhà sau mấy tháng dài xa cách. Qua khỏi chiếc cầu sắt Cái Khế cũ kỷ, màu đen bạc thếch với mưa nắng thời gian và tang thương binh lửa còn lại từ thời thực dân, chẳng mấy chốc, anh em bè bạn tôi lại cảm thấy hồi hộp đi qua cầu Sáu Thanh bằng gỗ, cao chông chênh để bước vội về bến bắc Cần Thơ (phà /le bac). Ngày ấy chưa có chiếc cầu thế kỷ Cần Thơ nối nhịp đôi bờ sông Hậu như hiện nay, mỗi lần muốn qua sông, không đi đò ngang đôi khi nguy hiểm vì sóng to gió cả, tôi phải đi phà mất hơn tiếng đồng hồ. Nhưng đứng trên phà bồng bềnh qua sông, cảm giác dễ chịu trước không khí trong lành mát mẻ, nghe sóng vỗ lách tách mạn phà, tôi có dịp thả hồn thơ phiêu lãng : Thành phố lên xuân cả bốn mùa/ Mai đào không đợi sắc hoa phô/ Lưng trời chưa có bầy chim én/ Xuân cũng theo về năm ngón thơ, hoặc trầm tư vu vơ trước cảnh trời rộng sông dài. Hậu giang vào xuân là con sông thơ, đẹp như một dải lụa màu, lác đác thuyền ngư, long lanh ánh dương giữa những hòn tiểu đảo xanh um thủy liễu : Tiểu đảo mươi chòm xanh thủy liễu/ Trường giang một dải rợp ngư thuyền. Chiếc phà cao to, hai tầng, chở nặng lữ hành và xe cộ, gầm gừ như con hà mã, lừ đừ cặp bến Bình Minh, thả anh em tôi, hành khách và xe cộ lên bờ. Xế trưa, trời đứng bóng, tôi và các bạn thả bộ dọc theo con hương lộ mặt đường còn lởm chởm đá núi và đất nung, lẹp bẹp hướng về phía chợ Tân Quới, nơi có mấy cây sao cổ thụ cao lênh khênh đứng cạnh đình làng. Dọc đường làng, tôi cảm thấy trong lòng dậy lên niềm vui ấm áp khi nhìn nhà 1cửa, cảnh vật hai bên trong những ngày cuối chạp đã bắt đầu nhuốm lên màu Tết. Những vỉ bánh tráng dựng lớp lớp trước sân phơi, những nia bánh phồng, sàng chuối khô hương thơm ngào ngạt, nằm san sát trên mái nhà bắt đầu quyến rũ đàn chim trao trảo sáng chiều không ngớt vần vũ bay quanh. Trong không gian trong sáng chờ xuân, dọc đường, tôi thỉnh thoảng bắt gặp chủ nhà những gia đình khá giả, đang xúm xít lo quét vôi lại nhà cửa, chuẩn bị đón chào xuân mới. * - Thưa ba mẹ, con mới về. - Ừ Thanh, con mới về . Ba mẹ biểu lộ vẻ vui mừng nhìn lại khi thấy tôi vừa về đến nhà rồi tiếp tục công việc. Ba tôi trở ra sân cúc cúc, kíp kíp gọi bầy gà vịt cho ăn suất chiều để lùa vô chuồng. Mẹ tôi ở góc nhà sau đong mấy lít nếp tốt, chuẩn bị gói bánh tét cúng ông bà. Chị ba tôi bên chiếc cối đá, đang lo xây bột làm bánh ngoài hiên nhà trong khi chị tư tôi đang ngồi lặt một rỗ hành kiệu tươi rói hăng hắc hương nồng chuẩn bị làm dưa chua. Gác tạm lại việc sách đèn sang một bên để lo dọn dẹp tiếp gia đình vì ba mẹ tôi đã già yếu. Việc thóc lúa ruộng đồng coi như các chị đã giải quyết xong, mấy cái đìa to đậm đặc cá tôm ngoài ruộng, các chị tôi cũng đã tát cạn, bắt cá rọng vào khạp từ mấy ngày qua. Sáng sớm hôm sau, tôi sang nhà bác Tư nhắc các anh họ tôi chuẩn bị giở đống chà lớn bên cây cầu dừa dưới sông, lấy cá chia cho bà con cùng sử dụng trong các ngày Tết. Thời gian lơi bớt công việc, tôi lãnh phần thay thế chị tôi, lau chùi mấy bộ lư đồng trên bàn thờ ông bà, tổ tiên, và sử dụng cây chỗi cán dài, quét sạch bụi bặm, mạng nhện bám trên trần nhà. Trước ngày ba mươi Tết, công việc ở quê dồn dập nhiều thứ. Có đêm các anh họ rủ tôi ra đồng cắt những bụi nếp vừa quá thời con gái đem về rang trong chão lớn, sau đó đem ra cối quết làm cốm dẹp. Tôi rất thích đêm đêm được xem các anh tôi giả cốm dẹp hoặc quết bánh phồng. Tiếng chày ba (*) cụm cùm cum giả nếp làm cốm dẹp hoặc tiếng chày gỗ nện bình bịch vào khối nếp to nấu chín trong cối làm bánh phồng, tạo nên một âm vang trữ tình đậm hồn dân tộc, quê hương trong những đêm thanh vắng ở nông thôn ngày xưa. Ban ngày, mẹ tôi ngồi bên ngoài hiên nhà tráng bánh cho chị ba tôi đặt bánh vào vỉ mang đi phơi. Chị Tư tôi lo ép chuối, phơi khô để làm mứt. Thằng Tý em trai tôi o bế lại mấy chiếc lọp, nò đi bắt cá dưới sông hay ngoài ruộng. Sáng tin sương không ra vườn, ba tôi dành thì 2giờ chăm sóc cho mấy chậu hoa mai, hoa tử kinh để trưng bày vui nhà trong mấy ngày xuân. Buổi trưa rảnh rang công việc nhà, ba tôi thong dong vừa hút thuốc vừa săn sóc mấy chú chim cu xinh xắn để ban ngày nghe tiếng gáy cúc cu vui vui của chúng. Mấy con gà cảnh sắc lông sặc sỡ cũng được ba tôi đặc biệt chăm sóc để ban đêm được nghe tiếng gáy dõng dạc báo thức ò - ó - o rất sảng khoái của chúng. Trong không khí mát mẻ ngày chớm xuân ở làng quê xưa, cứ bắt đầu vào hạ tuần tháng chạp, dưới sông bắt đầu xuất hiện rộn ràng mấy chiếc ghe nhỏ gắn máy đuôi tôm Kohler chạy khắp làng trên đó có những người xem ra không phải là người trong làng. Họ chính là nhân viên gánh hát đi cổ động cho chương trình hát Tết của đoàn. Ngồi trên chiếc ghe trên mui treo phất phơ lá cờ biểu tượng của đoàn hát, họ gióng trống dập dồn, phát loa inh ỏi, quảng cáo cho đoàn hát đang đóng đô tại nhà lồng chợ xã để biểu diễn phục vụ công chúng mộ điệu cải lương trong mấy ngày xuân . * Màu Tết nhà tôi ở quê thực sự thể hiện rõ nét bắt đầu từ thời điểm đưa ông Táo về trời. Trước đó một hôm, đã có mấy em nhỏ chạy lăn xăn ngoài đường hô to : Cò bay, ngựa hạy, đưa ông Táo về trời đây hoặc chịu khó đến từng nhà mời mua loại vàng mã vẽ đủ các hình thù nghuệch ngoạc để đốt trong lễ đưa tiễn Táo quân về trời. Trên các nẻo đường vào thôn xóm bắt đầu xuất hiện một số người ham vui lén lút chơi bầu cua cá cọp, xí ngầu lác hay gầy sòng bạc đỏ đen sát phạt nhau, thường không tránh khỏi xảy ra gây gổ cải lộn, đôi lúc dẫn đến đánh nhau. Nhóm thanh niên này thì tổ chức đá gà ăn tiền trong một bãi sân rộng khuất sau một lùm cây rậm, trong khi một nhóm người khác bày tiệc nhậu nhẹt, rồi mày chén tao chén, ly cạn ly đầy, lắm khi cũng dẫn đến chuyện không hay giữa anh em cùng trong một chiếu rượu. Ba tôi suốt đời chỉ biết lam lủ lo làm ăn, không thích rượu chè dù chỉ một chút nhắp môi. Ba tôi trải nghiệm được cái hại khôn lường của những người quá chén nên anh em tôi theo gương cha, không ai là đệ tử của Lưu Linh, một đời chỉ biết lo học hành, làm ăn. Không khí mừng xuân đón Tết ở nhà tôi mỗi năm chỉ kéo dài trong thời gian khoảng một tuần mặc dù trong nhà ai nấy cũng chuẩn bị sẵn mọi thứ từ sau ngày hai mươi ba tháng chạp âm lịch. Không như một vài thằng bạn, những ngày gần Tết, được nghỉ học, chúng nó quẳng sách vở sang một bên rồi bỏ nhà đi chơi bời xả láng, tôi giảm bớt học hành để giúp đỡ ba mẹ tôi dù mọi việc trong gia đình tôi đã có hai chị giỏi giang lo liệu tươm tất. Với tôi, ngày Tết truyền thống thực sự có ý nghĩa chỉ cần cô đọng trong vài ba ngày xuân thiêng liêng của họ tộc đã được ba mẹ tôi sắp xếp thành lệ mỗi năm. Hai cái đìa đậm đặc đủ 3các loại cá ở sau ruộng được hai chị tôi gồng vai tát cạn hai hôm trước và đống chà lớn sung túc cá tôm dưới sông, ba tôi đã nhờ các anh họ tôi giở hôm nay, để ngày mai tôi và thằng Tý em tôi mang cá tôm và bánh trái đi biếu cho bà con nội ngoại tôi ở làng bên. Trước đêm trừ tịch hai hôm, cũng như bao nhiêu gia đình khác trong làng, ở nhà tôi bao nhiêu công việc xem như đã chuẩn bị chu đáo cho mấy ngày đầu quan trọng nhất trong năm của một đời người. Trước thời điểm giao thoa giữa năm cũ và năm mới, ba tôi đã lúi húi tìm lá cau khô làm đúng bài bản chiếc bùa bát quái tứ tung ngũ hoành treo trên ngọn cây nêu trước cửa nhà để trừ tà ma. Tinh sương ngày ba mươi Tết, theo lời nhắc nhở của ba tôi, các chị đã lo đủ một mâm ngũ quả gồm các loại trái cây tốt là được mà không quá rặp khuôn theo lề thói ước lệ phải tìm mua cho đúng các loại trái : Cầu (mãng cầu) - Sung - Dừa - Đủ (đu đủ) - Xoài, năm thứ trái cây biểu tượng cho cụm từ mà người ta hay nói tếu cho vui miệng : Cầu sung vừa đủ xài . Trên nhiều tình huống xử sự của ba mẹ, tôi phát hiện ra một hiện thực chí lý là song thân tôi hay chú trọng đến nội dung, tinh thần hơn là hình thức, bề ngoài vì lẽ : Chiếc áo không làm nên thầy tu (L’habit ne fait pas le moine). * Đêm trừ tịch miền quê ngày xưa có phần yên ắng, không giống bầu trời sáng lòa với những vầng pháo hoa nổ lụp bụp trên bầu trời và tiếng ca hát rộn ràng từ máy phát thanh ở thành phố thời hiện đại. Không gian ngày Tết nơi thôn bản tĩnh lặng hơn với sinh hoạt ngầm trong phạm vi ấm cúng giữa các thành viên ruột thịt trong gia đình. Ba tôi vốn là một ông đồ nặng hồn thơ, mỗi năm có truyền thống tống cựu nghinh tân (tiễn cũ đón mới) bằng ít vần thơ . Đêm trừ tịch, ngay sau thời điểm thiêng liêng nhạy cảm nhất của năm mới, năm nào ba tôi đều ăn mặc đàng hoàng, ngồi vào bàn viết. Bên bình trà nóng mới pha, và gói thuốc lá bình dân, ba tôi bắt đầu viết lời khai bút đầu năm bằng một bài thơ tuyệt cú dù hôm nay tôi chẳng còn nhớ được câu nào. Bài thơ này là thông điệp đầu năm của nhà thơ nghiệp dư nói lên lời chúc lành tốt đẹp, gởi cho bạn bè, bà con khi gặp gỡ, thăm viếng nhau trong những ngày xuân. Nơi một góc ngoài hiên nhà, các chị tôi đang cẩn thận cho thêm củi vào chiếc lò đất, chăm sóc nồi bánh tét to kềnh đang sôi sùng sục trên ngọn lửa bập bùng như muốn quét sạch bóng tối của một đêm không trăng, thỉnh thoảng vọng lại từ xa mấy tiếng gà gáy sớm báo hiệu sang khuya. Ở quê tôi ngày xưa, mùng một Tết được coi là ngày đoàn tụ chính thức của gia đình, ít ai ra khỏi nhà. Trường hợp con cái lớn đã trưởng thành có gia đình ra riêng, ở xa thì hôm ấy phải về thăm cha mẹ cho phải đạo : Mồng một Tết cha. Dù vậy, mọi người trong nhà vẫn ăn mặc đẹp, bánh trái, trà nước chuẩn bị đầy đủ sẵn sàng trên bàn như đang sắp sửa đón 4khách quý. Riêng tôi, là con trai cả trong nhà, có bổn phận đến viếng nhà bác tôi để mừng lạy ông cố sau đó tặng quà cúng Tết. Ngày mồng hai, theo truyền thống gia đình, anh em tôi ăn mặc đàng hoàng, có thể bắt đầu xuất hành đi thăm lần bà con, bè bạn gần xa. Ba tôi tính kỹ lưỡng, nghiêm túc luôn nhắc nhở những điều hay cho anh em tôi trước khi đi đâu trong những ngày đầu năm. Bởi lẽ, trong những ngày xuân thiêng liêng, sự hiện diện tại nhà người khác thầm mang ý nghĩa đi xông đất, đem may mắn đến cho họ nên ngoài y phục ăn mặc đàng hoàng, sáng sủa, chúng tôi còn cẩn thận giữ gìn cả lời ăn tiếng nói. Mục đích sao cho thể hiện được nhân cách của mình sự tôn trọng người khác để làm vui lòng mọi người trong khoảnh khắc tốt đẹp đầu năm. Thiện ý của ba là muốn nhắc tôi tư tưởng trải nghiệm của người xưa : Khởi đầu tốt đẹp, mọi sự về sau được suôn sẻ : Nguyên trinh hanh thông. Buổi sáng mồng ba bắt đầu canh tư, lúc mấy con chim trao trảo ngoài vườn mận nhà sau báo hiệu bằng mấy tiếng lảnh lót reo vui, đánh thức cả nhà. - Nồi nước sôi chưa bà, để tôi làm gà ? Giọng vui vẻ, ba tôi hỏi mẹ đang lúi húi làm việc trong nhà bếp .- Sắp sôi rồi đó ông. Mẹ tôi biết ý, đã chuẩn bị nồi cháo gà chu đáo để ba tôi cúng đầu năm vào ngày mồng ba Tết. Nhúng nước sôi, đem ra nhổ sạch lông gà xong, ba tôi đặt phần thân gà trần trụi như nhộng vào nồi cháo đang sôi sùng sục trên bếp lửa bập bùng và cố ý giữ lại cặp chân gà. Không khí gia đình ấm áp với sinh hoạt rộn ràng của những ngày mới, như đã thành lệ, ba tôi cầm đôi chân gà với những ngón cong queo tội nghiệp rồi ngắm nghía, trầm ngâm. Vui vẻ ra mặt, nheo nheo đôi mắt bên hai vành đã nhuốm hình dấu chân chim, sau tròng kính lão, ba tôi thao thao bất tuyệt. Thật không khác nào một chiêm tinh gia lão luyện hay nhà phong thủy chuyên nghiệp khiến tôi phải đầu hàng ba vô điều kiện! - Năm nay, nhà mình sẽ làm ăn phát đạt. Mọi người đều khỏe mạnh. Ruộng rẫy mình trúng mùa lớn và thằng Năm - tác giả bài viết - sẽ thi đậu Tú Tài, vào sư phạm. Còn Thằng Tý em nó lên trung học, được cấp học bổng, rồi du học nước ngoài. Các em út nó cũng sẽ học hành tiến bộ hơn ! Ngày ấy, đã học sang đệ nhất cấp, tôi vẫn ngây thơ ngờ nghệch, không biết đã dựa trên cơ sở nào ở cặp chân gà khẳng khiu co quắp mà ba tôi đã tỏ ra làu thông chuyện quá khứ vị lai như thế ! Mồng ba tết thầy, với lời lẽ dịu dàng khuyến khích, ba mẹ tôi không quên nhắc nhở đến viếng thăm những thầy cô ngày trước đã dạy dỗ và thầy cô hôm nay dù 5các vị ân sư ấy có ở nơi xa xôi cách trở dường nào : quan tâm đặc biệt đến những thầy cô đang gặp cảnh khó khăn trong cuộc sống túng thiếu, tuổi cao hay bệnh tật. Ngày trước, không mấy khi học trò có hiếu dám thẳng thừng gởi tiền cho thầy cô trong bao thư, dù có thực dụng như thời hiện đại kim tiền hôm nay. Yêu thương kính trọng, ý thức được công lao dạy dỗ của thầy cô, vào ngày những mùa Tết năm xưa, tùy theo hoàn cảnh, chúng tôi chỉ dám thể hiện lòng biết ơn sâu nặng bằng cách mang tặng thầy cô con gà, con vịt xin của ba mẹ hoặc hộp sữa ký đường, vài ký gạo, lít nếp, củ khoai … với cung cách lễ độ và lời biết ơn thốt ra từ sâu thẳm trái tim mình. Làm như vậy, thực lòng tôi mong bớt đi nỗi niềm tri ân còn canh cánh trong lòng, chứ làm sao tôi có thể đền đáp được chút công lao dạy dỗ lao tâm khổ trí của thầy cô, cũng như sự hy sinh cao cả trong thâm tình sinh thành dưỡng dục của mẹ cha : Thứ nhất ơn nặng dưỡng sinh/ Thứ hai nghĩa trọng là tình ân sư . Mãi cho đến khi học hành thành đạt ra trường, tôi theo nghề gõ đầu trẻ và lập gia đình. Cứ mỗi độ nhìn chim én bay về báo hiệu tin xuân, tôi cảm thấy trong lòng càng có bổn phận nhiều hơn đối với thầy cô ngày trước của tôi. Gắn bó suốt đời với nghề dạy học, am hiểu hoàn cảnh đặc biệt và tâm tư sâu kín của người cầm phấn, tôi không ưa những câu lý thuyết suông hoặc huênh hoang máy móc hét khẩu hiệu: Tôn sư trọng đạo chỉ đậu nơi chót lưỡi đầu môi của một số người đạo đức ảo. Không phải đợi đến ngày 20/11 mỗi năm, tôi mới biểu lộ lòng biết ơn đối với tất cả những thầy cô đã thực lòng dạy chữ để cho đời tôi có ý nghĩa. Ấn tượng sâu đậm trước hết với những thầy cô đầu tiên đã cam chịu khổ cực dạy tôi bập bẹ đọc từng chữ a, b … khi mới vào học trường sơ đẳng tại làng quê. Nhưng chua xót thay ! Những vị ân sư khả kính ngày xưa ấy giờ đây hầu hết đã hóa ra người thiên cổ. Hôm nay, trong không gian đầm ấm, ngào ngạt hương xuân, rạng ngời màu Tết, tôi vui Tết với hoa mai hoa đào rực rỡ thắm tươi, bên những dĩa bánh mứt thơm ngon và bữa ăn đầy đủ cao lương mỹ vị, với sự hiện diện của thân nhân học tộc và anh em bè bạn. Trước bàn thờ tổ tiên nghi ngút khói hương, tôi tự hỏi : Ta đã làm được gì có ý nghĩa trong những ngày qua và từ nay còn phải làm gì thêm để không bị coi là mất gốc, để khỏi phải hổ thẹn với ông bà, tiền nhân trong một đất nước Thuấn Nghiêu thịnh trị thanh bình. Xuân Kỷ Hợi. 2019 Nguyễn Thanh *. Giả gạo chày ba : Ba lực điền chuyên nghiệp, mỗi người cầm 1 chày, đứng cách đều khoảng quanh cối, giả theo từng chu kỳ với 3 nhịp chày khác nhau vị trí. Tại cùng thời điểm mỗi nhịp, trong cùng lúc chày 1 nện xuống phần gạo giữa lòng cối (nghe tiếng cụp), thì chày 2 nhịp trên miệng cối (nghe tiếng cum) trong khi chày 3 đang giơ lên khoảng không, như nện vào không khí, không gây ra tiếng. Đó là “ Giả gạo chày ba ” 6

Xem

NSND LỆ THỦY - TIẾNG HÁT MÙA XUÂN - TƯƠNG NHƯ

Nghệ sĩ Lệ Thủy tên thật Dương Thị Lệ Thủy (sinh năm 1948), sau đổi thành Trần Thị Lệ Thủy, người Vĩnh Long, là một ngôi sao sân khấu cải lương hàng đầu. Với niềm say mê ca hát, ngay từ lúc mới 10 tuổi, Lệ Thủy đã đến với ca nhạc cải lương.

Xem

VỚI HÀ NỘI, MÙA XUÂN Tùy bút Diễm Thi

VỚI HÀ NỘI, MÙA XUÂN Tùy bút Trời không nắng cũng không mưa Chỉ hiu hiu gió cho vừa nhớ nhung Hồ Dzếnh Với Hà Nội, từ cuối Việt, dù hiếm khi được về thăm cội nguồn đất mẹ nhưng tôi mãi ấp ủ tự sâu thẳm trái tim mình hình bóng thủ đô yêu thương nơi đỉnh đầu tổ quốc. Có lẽ tình cảm “nhớ Bắc” trĩu nặng trong tâm tư thi tướng Huỳnh Văn Nghệ trong suốt hai mùa binh lửa cũng là nỗi nhớ khôn nguôi trong tâm hồn người Nam bộ như tôi vốn đã có nguồn cội hơn mấy trăm năm trước từ vùng đất Thăng Long lịch sử : Ai về xứ Bắc, ta đi với/ Thăm lại non sông giống Lạc Hồng/ Từ thuở mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long. Ngay từ tuổi ấu thơ vụng dại, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, những trang lịch sử vàng son và nền văn học nghệ thuật rạng rỡ của nước nhà đã sớm đưa tôi sớm đến gần gũi với thủ đô rồng bay hơn nghìn năm xây dựng, khiến tôi thêm quyến luyến mến thương đất nước và con người của đô thị ba mươi sáu phố phường. Hà Nội, thuở mới chào đời, với tôi, cách mạng tháng Tám thành công rực rỡ đã mang ý nghĩa một mùa xuân chói lọi : Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập (2/9/1945) nơi quảng trường Ba Đình lịch sử, xóa tan xích xiềng nô lệ gần trăm năm từ thực dân Pháp, thực sự khai sinh cho một nước Việt Nam độc lập tự chủ trên thế giới : Rực rỡ sao vàng , hoa vĩ đại/ Năm cánh xòe lên năm cửa ô… Và Hà Nội, tiếng reo hò bất tuyệt/ Vang sang bờ nọ Thái Bình dương (Vũ Hoàng Chương). Tôi yêu hồ Hồ Hoàn kiếm lịch sử đẹp như mơ với tháp Rùa cổ kính, lung linh dưới mây trời, qua giai điệu trầm hùng một ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ kháng chiến Phan Nhân, phản ánh không gian huyền thoại nhân dân thủ đô một thời hào hùng oanh liệt đấu tranh chống đế quốc Mỹ : Mặt Hồ Gươm vẫn lung linh mây trời/ Đường lộng gió thênh thanh năm cửa ô/ …Hà Nội đó niềm tin yêu hy vọng/ Của núi sông hôm nay và mai sau/ Chân ta bước lòng ung dung tự hào/ Kìa nòng pháo vẫn vươn lên trời cao (Hà Nội, niềm tin và hy vọng). Tinh thần ‘Diệt phát xít’ hay đấu tranh chống thực dân đế quốc bảo 1vệ đất nước vẫn hừng hực cháy bừng trong âm nhạc, văn chương của ‘Người Hà Nội’ : Thơ nhạc Nguyễn Đình Thi, Tố Hữu trữ tình, óng ả, lồng lộng hùng khí chiến đấu như những bản hùng ca hay áng thơ xuân, đẹp như hoa đào hoa mai ngày xuân (Đất nước, Bài ca xuân 61, Bài ca xuân 68…), tạo nên ‘dáng đứng Việt Nam’ tầm cao nơi con người Hà Nội. Thiêng liêng vô cùng Văn miếu, dấu ấn muôn đời, biểu tượng của văn học và trí thức Việt Nam ; Ngả Tư Sở, nơi hội tụ của tao nhân mặc khách tài hoa ba khắp miền Tổ quốc và Phố Phái cổ kính mang dáng vẻ u hoài trầm mặc và thấm đẫm hồn thơ. Tôi yêu trời Hà Nội sang mùa, không mưa không nắng, chỉ với một chút gió mong manh cũng gợi nhiều nhung nhớ : Sáng nay, Hà Nội sang mùa/ Hồ Gươm tóc liễu, tháp Rùa lung linh ( Hồ Dzếnh). Tôi ngưỡng mộ vô cùng con người Hà Nội, đã thể hiện trọn vẹn tài năng và khí phách trong những cuộc đấu tranh sống mái với bọn giặc ngoài, kẻ thù chung của dân tộc để bảo vệ đồng bào và xây dựng đất nước trong suốt mấy mùa chinh chiến. Sức mạnh con người Hà Nội, vào Nam chiến đấu trong trận ‘Tổng Công kích Xuân Mậu Thân’ 1968 và tham gia trong ‘Chiến thắng Mùa Xuân’ lịch sử 1975, là biểu tượng cho sức mạnh vô địch cả ba miền, tượng trưng cho tinh thần dũng cảm của bộ đội chiến đấu trong ‘Mùa Hè Đỏ Lửa’ 1972’ ở Quảng Trị, ngay chiếc lưng gầy mang hình đất nước, cho ‘12 ngày đêm Mặt trận Điện Biên Phủ trên không’, cho ‘Chiến thắng Thu-Đông’ ở núi rừng Việt Bắc (1947), cho sự thành công to lớn đầy ý nghĩa của ‘Cách mạng Tháng Tám’ năm 1945 và cho tinh thần chiến thắng ngoại giao đỉnh điểm trước kẻ thù đế quốc của dân tộc trong ‘Hội nghị Hòa bình Việt Nam’ (1968-1973) tại Paris. Hà Nội tôi yêu với chân dung đỉnh đạc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - lãnh tụ mùa xuân, với Đảng quang vinh - mùa xuân của ngọn Hải Đăng soi đường cho dân tộc, với người Hà Nội - mùa xuân của trùng dương trí tuệ và đại ngàn dũng cảm, với không gian lồng lộng Hà Nội, vũ trụ của thế đứng sắt thép tầm cao đã từng gồng gánh bao gian khổ hy sinh, chống đỡ bao nỗi đau đớn truân chuyên cho đồng bào cả ba miền đất mẹ. Với tôi, Hà Nội là trái tim rộng lớn căng đầy máu nóng của đồng bào ba miền, là thủ đô chung của cả nước Việt Nam với nền hòa bình, độc lập, tự do có được nhờ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại kính yêu đã gian nan dày công xây dựng. Nhờ đó, hôm nay chúng ta có chung được lá cờ son rực rỡ sao vàng : Lòng ta chung một cụ Hồ/ Lòng ta chung một thủ đô/ Lòng ta chung một cơ đồ Việt Nam (Tố Hữu) với tình cảm riêng 2chung : Quan san muôn dặm một nhà // Hà Nội, Huế, Sài Gòn/ Là cây một cội, là con một nhà. Hà Nội trong tôi, mỗi năm cứ vào những ngày cuối chạp với ngọn đông phong se lạnh, dù chưa hẹn bầy chim én xao xác bay về báo hiệu xuân sang trên phố phường đô thị, trong lòng tôi, không gian đặc thù và con người giàu cá tính Hà Nội vẫn mãi rực rỡ một màu xuân bất tận. Tôi cũng không quên, vào giao mùa thu - đông 1954 (tháng 10), trong không khí vỡ òa niềm vui thắng lớn, mênh mang giai điệu trầm hùng khúc khải hoàn ca của nhân dân thủ đô, đoàn quân anh hùng bách thắng Việt Nam, từ chiến khu Việt Bắc rầm rập đỗ về tiếp quản thủ đô, có người Việt Nam nào đã tự hào không nghĩ đó là một mùa xuân chiến thắng. Và còn nữa điệp khúc trong tôi, với Hà Nội yêu thương, mãi mãi hằng năm với bốn mùa xuân diễm tuyệt của núi sông hoa gấm giữa đất trời lồng lộng, tôi luôn dành cho thủ đô Tổ quốc mỗi độ vào xuân tình cảm yêu thương hy vọng vô bờ : Hà Nội lên xuân cả bốn mùa / Mai đào không đợi sắc hoa phô / Lưng trời không có bầy chim én / Xuân cũng theo về năm cửa ô. Nghênh phong các Xuân Kỷ Hợi. 2019 D. T 3

Xem

THẰNG MỰC - NGUYỄN THANH

Nam nghĩ lại, nếu mẹ hiền nơi chốn cửu tuyền không vui khi đọc những dòng chữ này, nó cũng đành cam chịu tiếng mình là đứa con bất hiếu. Với mẹ, ơn cúc dục cù lao, chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm, sự hy sinh như Đông hải bao la, Nam đâu dám quên công lao trời biển của người đã xẻ thịt mình cho con được ra đời

Xem

NSƯT THANH KIM HUỆ - BÚP BÊ SÂN KHẤU

Nghệ sĩ ưu tú Thanh Kim Huệ (sinh năm 1955), tên thật Bùi Thị Huệ, gốc người Sài Gòn, là một ngôi sao nổi tiếng hàng đầu trên sân khấu cải lương thuộc thế hệ tiếp sau của sầu nữ Út Bạch Lan, kỳ nữ Kim Cương… Lúc Thanh Kim Huệ còn bé, cha mẹ làm nghề cho thuê dụng cụ âm thanh cho các đoàn hát nên chị sớm bén duyên với nghệ thuật cải lương

Xem

CHIẾC NÓP QUÊ HƯƠNG - TÔ ĐAN

Thời kháng chiến chống Pháp, trong giai đoạn đầu cuộc đấu tranh gian lao vì sự nghiệp giải phóng dân tộc còn thiếu thốn quân dụng, có một hình tượng đặc biệt đậm màu sắc quê hương, không thể thiếu đối với nhân dân lao động và những chiến sĩ yêu nước tham gia kháng chiến.

Xem

BÀI THƠ ĐỊNH MỆNH - NGUYỄN THANH

Buổi sáng chủ nhật đầu tháng 5 năm 2007. Trong cuộc họp mặt của nhóm bạn cựu học sinh Trường trung học Phan Thanh Giản chúng tôi có Nguyễn Trung Quân ở hải ngoại về thăm gia đình.

Xem
Processing...