BÀI THƠ ĐỊNH MỆNH - NGUYỄN THANH
Buổi sáng chủ nhật đầu tháng 5 năm 2007. Trong cuộc họp mặt của nhóm bạn cựu học sinh Trường trung học Phan Thanh Giản chúng tôi có Nguyễn Trung Quân ở hải ngoại về thăm gia đình. Quân nguyên là Hiệu trưởng trường Phan Thanh Giản (Cần Thơ), rồi trường Nguyễn An Ninh (Sài Gòn) vào khoảng cuối những năm 1960. Trong lúc anh em đi về hết, thấy còn sớm, Quân tranh thủ thời gian, gợi ý với tôi:
- Về nước lần này, ông ráng giúp tôi một việc. Chuyện bài thơ Cây tre ngày trước ở trường mình lúc học đệ nhị cấp vẫn còn một tồn nghi, tôi muốn được giải mã. Bây giờ, ông chở tôi đến nhà Phạm Thị Hồng Hạnh, cô học sinh ngày trước được coi là tác giả bài thơ định mệnh ấy.
Chúng tôi tìm đến ngôi nhà mang số 132/26 Hùng Vương, phường Thới Bình, thành phố Cần Thơ. Một phụ nữ trạc tuổi sáu mươi, nước da mặn mà, dáng nhanh nhẹn, nở nụ cười mời chúng tôi vào nhà, đó chính là Phạm Thị Hồng Hạnh. Sau những lời xã giao nghi thức, Quân bắt đầu hỏi chuyện:
- Thưa chị Hạnh, qua bài viết của ông Huỳnh Cẩm Vân về bài thơ Cây tre đăng trên tập san của nhóm cựu học sinh Phan Thanh Giản ở hải ngoại, tôi xin hỏi chị đôi điều để được hiểu rõ hơn. Trước hết, xin hỏi thực chị, ai là tác giả bài thơ Cây tre dạo ấy?
- Thưa anh, chính tôi làm bài thơ ấy.
- Nhưng sao chị lại chọn đề tài là Cây tre?
- Vì đi đâu cũng gặp hình ảnh cây tre, đâm ra chướng mắt mà làm chơi vậy thôi. Thực sự, tôi không chú ý đến gì ngoài việc học. Không ngờ về sau, người khác đọc, không hiểu rõ sự tình mới suy diễn ra tôi vịnh Cây tre là để chế giễu nền cộng hòa của Ngô Đình Diệm lúc bấy giờ.
Nói đến đây, tôi thấy khuôn mặt Hồng Hạnh lặng đi, giọng chị trở nên buồn buồn:
- Sau khi bị đuổi học, tôi lên Sài Gòn học lớp đệ tứ A, tại Trung học tư thục Tân Thịnh của giáo sư Phan Ngô - tác giả nhiều sách giảng văn được ấn hành lúc đó, và thầy cũng vừa đứng lớp dạy Việt văn. Trong một giờ thực tập làm thơ, thầy Phan Ngô ra đề cho học sinh làm thơ để coi đứa nào có năng khiếu. Tôi mặc cảm là học sinh ở tỉnh lẻ mới lên, lại nhớ chuyện cũ vì làm thơ mà bị đuổi học nên ban đầu còn ngại. Nhưng sau đó, tôi cũng cố làm một bài thơ, đưa cho thầy đọc. Thầy Phan Ngô khen hay, chấm bài thơ tôi 18 điểm (lúc bấy giờ quy định giáo viên cho điểm học sinh trên mẫu số 20). Khi biết tôi là tác giả, thầy bảo Hồng Hạnh có khiếu văn chương. Nhưng khi thầy bảo sẽ cho đăng báo bài thơ tôi vừa làm thì tôi bật khóc vì tâm trạng bàng hoàng nhiều nỗi của tôi lúc ấy. Về sau thầy Phan Ngô cũng biết Hồng Hạnh là tác giả bài thơ Cây tre và lý do phải bỏ nhà, lên học ở Sài Gòn.
Học được một năm với thầy Phan Ngô, trường Tân Thịnh không rõ vì lý do gì bị đóng cửa, tôi phải chuyển sang học ở trường tư thục Vương Gia Cần, và học Việt văn với thầy Vũ Hạnh(1).
… Năm học 1957-1958, Hồng Hạnh học lớp đệ ngũ (lớp 8 bây giờ), Quân và tôi học lớp đệ nhị nhưng khác ban. Vì là năm thi Tú tài I nên dù đam mê văn nghệ, hai đứa tôi vốn là những con sâu “gạo” bị sa vào “mê đồ kinh sử” cho đến lúc nghe nổ ra sự kiện bài thơ Cây tre.
Bài thơ được gởi đến ban biên tập báo Bình Minh, anh Nghê Hữu Chí có nhiệm vụ liên hệ với Ty Thông tin Cần Thơ xin kiểm duyệt. Khi báo Bình Minh in xong, sắp phổ biến, Ty Thông tin gọi điện thoại đến Hiệu trưởng trường Phan Thanh Giản vì “phát hiện” ra bài thơ Cây tre có nội dung đặc biệt. Tác giả là Hồng Liên Đài, tức nữ sinh Phạm Thị Hồng Hạnh, bắt đầu bị cảnh sát theo dõi, và bị nhà trường thường xuyên gọi lên phòng Hiệu trưởng trình diện để trả lời những câu hỏi liên quan đến bài thơ:
Cây tre
Mượn danh dối thế, chúng chê dè
Quân tử gì nà, thứ giống tre!
Có mắt không tròng, hay cót két
Rụng chà trơ gốc, giỏi cò ke.
Dùng làm than củi trong giây lát,
Để lót vạt giường chắc dữ be,
Ngoài vỏ xanh um, trong trống phọc,
Kêu cho rền lắm, chẳng ai nghe!
Hồng Liên Đài
Một hôm, Hiệu trưởng Nguyễn Văn K. cùng hai viên chức từ Bộ Giáo dục ở Sài Gòn xuống làm việc với tác giả bài thơ. Họ muốn có cuộc thẩm vấn để tìm ra xuất xứ, tác giả chính thức và động cơ sáng tác của tác giả… Lúc đầu, trước mặt Hồng Hạnh, họ tỏ ra nhỏ nhẹ:
- Ai đưa cho em bài thơ Cây tre? Hãy chỉ cho thầy. Với tư cách đại diện Bộ Giáo dục xuống đây, thầy hứa sẽ bảo đảm an toàn cho em, lo lắng cho tương lai việc học hành của em được tốt đẹp.
- Không có ai đưa bài thơ này cho em cả. Bài thơ Cây tre do chính em làm - Hồng Hạnh nghiêm sắc mặt trả lời.
- Vô lý! Mới học lớp đệ ngũ, làm sao em đủ khả năng làm nổi bài thơ Đường luật như thế.
- Thưa thầy, theo em nghĩ: tài năng không phải lúc nào cũng đợi đến tuổi trưởng thành mới thể hiện. Vả lại, chương trình Việt văn lớp đệ ngũ có dạy những bài thơ Đường và cách làm thơ Đường luật cho học sinh. Do có học nên em đã làm bài thơ này.
- Khó tin được! Mới học làm thơ luật, em chỉ có thể làm những bài thơ “con cóc” thôi, chớ không đủ sức làm nổi bài thơ Cây tre với niêm luật chặt chẽ và ý tứ mạch lạc như thế. Hãy nói thật đi, ai đưa cho em bài thơ này?
- Em nói thật, không ai đưa bài thơ ấy cho em cả. Chính em làm, có gì em chịu. Em không biết nói gì khác hơn. Nếu thầy cứ bắt buộc em phải chỉ ra tác giả, e có lúc quẫn trí, em sẽ chỉ chính thầy là người đã đưa bài thơ đó cho em thì sao!
Thấy không hiệu quả, một “thẩm vấn viên” nổi cáu, đập bàn rồi hằn học với giọng lỗ mãng:
- Khốn nạn! Thầy thương em, muốn cứu đời học sinh của em. Không ngờ em quá ngoan cố đến thế. Bộ em muốn bưng bít để đi theo con đường Cộng sản phải không?
Ông hiệu trưởng nói chậm rãi:
- Làm được bài thơ Cây tre thì em cũng có thể làm được bất cứ bài thơ Đường luật thất ngôn bát cú nào khác. Vậy ngay bây giờ, em thử làm một bài tại đây với đề tài tự do, rồi đưa cho các thầy xem.
- Được, em sẽ làm.
Hồng Hạnh thong thả trả lời.
Ông hiệu trưởng tin rằng diệu kế này sẽ dồn Hồng Hạnh vào ngõ bí, bắt buộc cô phải khai thật ra tác giả bài thơ Cây tre. Ông đi lấy giấy trao cho Hồng Hạnh ngồi làm ở một góc bàn gần cửa sổ và không quên nhắc lại cho cô: thơ Đường luật - đề tài tự do - thời gian 45 phút.
Phần Hồng Hạnh, cô vẫn giữ bình tĩnh, cùng với bản tính rắn mắt mà phớt tỉnh ngầm, trong đầu cô đã xuất hiện nhanh ra đề tài bài thơ: Cái diệm! Nhưng cô nghĩ lại chữ “diệm” quá lộ liễu nên đổi thành “cái chén”. Diệm, chén, cũng na ná nhau, cùng họ hàng và cùng nguồn gốc từ lò gốm.
Gần tiếng đồng hồ, bài thơ Đường do Hồng Hạnh mới sáng tác ngay tại văn phòng hiệu trưởng được đưa ra trình diện trước hiệu trưởng và hai viên chức đại diện Bộ Giáo dục:
Cái chén
Lò gốm ra lò trước mắt tôi,
Bát - tô - diệm - tượng, chất hằng ngôi.
Miệng còn lưỡi mất, thôi ăn nói,
Đít có trôn không, cố sống đời.
Ở chợ, dùng làm đồ bán nước,
Trong đình để đựng loại chè xôi,
Sắc màu kích cỡ, tùy người sắm,
Phòng đựng cơm thừa với cá ôi!
Hồng Liên Đài
Ba người chuyền nhau xem bài thơ. Đọc xong, sắc mặt họ như tái đi mà chưa ai nói được với ai lời nào. Riêng hiệu trưởng, như cố giữ bình tĩnh xem lại bài thơ Cái chén một lần nữa, ông bực tức lấy tay vò nhầu bài thơ, quăng vào sọt rác:
- Được rồi, bây sẽ nhận hậu quả đích đáng của bây về hành động, lời lẽ xuyên tạc chế độ cộng hòa và bôi bác Ngô tổng thống!
Mấy ngày sau, Phạm Thị Hồng Hạnh bị đuổi học sau một buổi họp hội đồng kỷ luật của nhà trường, cùng lúc với một số anh em học sinh có tư tưởng tiến bộ trong trường như: Nghê Hữu Chí, Đoàn Văn Thế, Huỳnh Hữu Khải(2) - những học sinh bị kết tội đã cố ý phổ biến bài thơ Cây tre mượn thơ văn tuyên truyền chống lại chính phủ quốc gia, dọn đường nối giáo cho Cộng sản.
Sau ngày giải phóng, Phạm Thị Hồng Hạnh phụ trách ban Tài chánh, phường Cái Khế trong một cơ quan uy tín của chính quyền cách mạng tại thành phố Cần Thơ cho đến ngày nghỉ hưu.
Cuộc đời thực của tác giả bài thơ Cây tre đã khiến tôi không nguôi bâng khuâng tự hỏi: Do đâu một học sinh tài sắc, học giỏi, tâm hồn trong trắng hồn nhiên, một năng khiếu văn chương hiếm có lại bị những người đang làm giáo dục thời ấy dập vùi không thương tiếc như thế? Phải chăng vì sự trung thành mù quáng với chế độ tay sai mục nát của một số người háo danh vụ lợi?
NGUYỄN THANH
TẠP CHÍ HỒN VIỆT (2014)
_____
(1) Vũ Hạnh tên thật là Nguyễn Đức Dũng - nhà giáo, nhà văn yêu nước, tác giả nhiều sách lý luận, phê bình, truyện dài…
(2) Nghê Hữu Chí: cán bộ hưu; năm 1975 về tiếp thu Trường trung học Phan Thanh Giản. Đoàn Văn Thế, Huỳnh Hữu Khải thoát ly vào khu năm 1958, hy sinh năm Mậu Thân (1968).
Bài đăng khác
- “Xuân bâng khuâng với mái trường xưa” – Truyện ngắn của Nguyễn Thanh 11 Tháng Một, 202116 (Vanchuongphuongnam.vn) – Vẫn trên con đường thân quen trong mấy mươi năm, thầy giáo Nguyên đi lại ngày ngày bao lần đến cơ quan chỉ cách nhà không xa. Nhưng cứ mỗi
- SƯƠNG TRẮNG THỚI ĐÔNG Nguyễn Thanh
- YÊU CHỈ MỘT LẦN Nguyễn Thanh
- BẾN XƯA - NGUYỄN THANH
- DÒNG SÔNG ĐỊNH MỆNH - NGUYỄN THANH