KỲ NỮ SÂN KHẤU - TƯƠNG NHƯ
Nghệ sĩ Kim Cương (sinh năm 1937) được gọi là Kỳ nữ vì trong hoạt động nghệ thuật, bà vừa là nghệ sĩ đứng diễn xuất sắc ở các vai chính trên sân khấu (cải lương, kịch bản và màn ảnh), vừa là bầu gánh (giám đốc Ban kịch Kim Cương) kiêm luôn tác giả viết kịch bản. Bà xuất thân từ một gia đình trong đó: mẹ, cha, dì, anh, em gái, cháu… đều là nghệ sĩ. Kim Cương đã tham gia các vai diễn trong: + 2 tuồng cải lương; + 9 vở kịch; + 28 phim và tác giả của 70 kịch bản (ký tên Hoàng Dũng). Sách Kỷ lục Việt Nam xác nhận Kim Cương là “Nghệ sĩ viết nhiều kịch bản nhất Việt Nam”. Sau 1975, nghệ sĩ Kim Cương là: + Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa 7+ Ủy viên Hội đồng Tư vấn về lĩnh vực Văn hóa-xã hội của Ủy ban Trung ương MTTQ nhiệm kỳ 2009-2014; + Ủy viên Ủy ban MTTQ TP.Hồ Chí Minh khóa 9; + Phó Chủ tịch thứ nhất Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi TP. Hồ Chí Minh; + Ủy viên Ban Chấp hành Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh. Giải thưởng (2): +Diễn viên xuất sắc nhất; + Đối thoại xuất sắc nhất của Điện ảnh Á châu (Đài Loan - 1974) và được Nhà nước trao tặng là: + Huân chương lao động hạng 3 (2004), + Huân chương lao động hạng 2 (2009), và danh hiệu: Nghệ sĩ nhân dân (2011).
Nghệ sĩ Kim Cương tên thật là Nguyễn Thị Kim Cương, một Phật tử, pháp danh Từ Huệ. Bà là đứa con đẻ rơi tại cửa Thượng Tứ (Huế) khi đoàn hát lưu diễn tại đây. Trong thời kỳ mang thai Kim Cương, bà Bảy Nam ở độ sung sức, hát hay nhất, khiến cho nghệ sĩ Năm Châu phả thốt lên : “Đứa bé này sinh ra chắc hát hay lắm, cho nó theo nghề cha mẹ là vừa”. Cha Kim Cương là Nguyễn Phước Cương, bầu gánh hát Đại Phước Cương và mẹ là nghệ sĩ nhân dân Lê Thị Nam (Bảy Nam). Anh là hề Ngọc Trai, và đứa em gái tên Kim Quang, Kim Cương sinh ra và lớn lên từ chiếc nôi của một gia đình nghệ thuật: bà cố, bà nội và cha đều làm bầu gánh và mẹ, dì, anh, em gái, cháu… đều là nghệ sĩ. Bên ngoại có bà dì Nghệ sĩ nhân dân Năm Phỉ, mẹ Bảy Nam và hai người cậu cũng là nghệ sĩ. Để chuyên tâm vào nghề nghiệp, bà Bảy Nam đã gởi Kim Cương (mới lên 6 tuổi) theo học ở trường dòng trong 10 năm. Tuổi thơ của Kim Cương bị đóng khung trong không gian đầy nghiêm khắc với hai màu đen trắng cho đến năm 16 tuổi. Kim Cương sớm đến với sân khấu từ lúc mới sinh được 10 ngày trong vai đứa con sơ sinh của Thị Mầu mà đạo cụ là cái bình sữa trong tuồng Quan Âm Thị Kính. Sự nghiệp nghệ thuật đến với Kim Cương ở vai đào non trong đoàn hát của gia đình. Năm 17 tuổi, sau khi thi rớt Tú Tài, Kim Cương rời trường dòng, trở lại với sân khấu, cùng cha mẹ và các thành viên đi lưu diễn các nơi. Trước khi có vai diễn chính thức trên sân khấu cải lương, có lần má Bảy Nam cho phép Kim Cương ra hát cho quen trước với sân khấu, bài tân nhạc: Nụ cười cơn cước và Kim Cương đã hát rất hay, được khán giả nhiệt liệt tán thưởng. Trên con đường lưu diễn đó đây, từ Nam ra Bắc, được gần gũi bên cạnh các nghệ sĩ, soạn giả nổi tiếng như: Năm Châu, má Bảy Nam dì Năm Phỉ, Phùng Há, Duy Lân, và được nhắc nhở kèm cặp về ca diễn. Vai diễn trên sân khấu cải lương chính thức đầu tiên của Kim Cương là vai Na Tra, trong vở Na Tra lóc thịt do mẹ là nghệ sĩ Bảy Nam viết kịch bản và vở Mẫu tử tình thâm, đã khẳng định vai trò của một thần đồng trước khán giả. Ở vở cải lương: Phụng Nghi Đình, sắm vai Điêu Thuyền - một trong Tứ Mỹ đồ - đẹp tuyệt trần mà nhí nhảnh, lả lướt bên cạnh một Má Bảy Phùng Há thời chín muồi, sung sức của tài năng trong vai một Lữ Bố tuấn tú, oai hùng, Kim Cương được khán giả khen đẹp và diễn xuất rất có duyên. Rồi đến vở Tiêu Anh Phụng loạn trào…ở vai chính, Kim Cương cũng diễn không có một chỗ nào chê được. Trongvở Giai nhân và Ác quỷ của soạn giả Duy Lân chủ yếu viết cho Kim Cương đoáng. Trong vai A Liễu, Kim Cương được khán giả khen, đã thể hiện rõ nét thiên bẩm của vai đào thương. Ở những tuồng cải lương, kịch nói hay phim, nét diễn độc đáo của Kim Cương nổi bật ở hai tuyến vai diễn mang tính cách đối cực khá ngộ nghĩnh: vai bi dễ làm khán giả rơi nước mắt đầm đìa và vai hài cũng có thể không dằn được những trận cười lộn ruột. Do vậy, kết hợp tài năng diễn xuất trên sân khấu cải lương, kịch nói và phim ảnh, với tài khéo lèo lái ban kịch trên 70 nghệ sĩ, nhân viên của người giám đốc cùng khả năng sáng tác của Kim Cương, giữa thập niên 1950, ký giả Nguyễn Ang Ca đã đặt cho chị biệt danh Kỳ nữ Kim Cương.
Sang lĩnh vực điện ảnh, được coi là một giai đoạn chuyển tiếp sang một môi trường hoạt động nghệ thuật khác, nghệ sĩ Kim Cương vẫn họat động với những thành tựu nổi bật, trên sở hữu tài năng đã có chứ không hẵn hoàn toàn khác biệt với sân khấu cải lương. Trong những năm cuối thập niên 1950, Kim Cương tuy còn rất trẻ nhưng đã được xem là một ngôi sao sáng của sân khấu và màn bạc, thu hút được nhiều cảm tình ở người xem, Từ phim đầu tay là Lòng nhân đạo, kỳ nữ Kim Cương đã được các hãng phim săn đón. Chỉ trong hai năm đầu theo nghề, 1956-1958, Kim Cương chạy sô tối ngày ở các phim trường. Hết tham gia Ngọc Bồ Đề (1956), Bích Câu Kỳ ngộ, Lưu Bình Dương Lễ (1957) đến Lý Chơn Tâm cởi củi, Đôi mắt huyền (1960) của hãng An Pha phim . Chưa kịp nghỉ ngơi, nghệ sĩ lại nhận vai Loan trong phim Ám ảnh. Trong giai đoạn này, Kim Cương là một ngôi sao trẻ đứng đầu về số lượng phim đóng và cát-xê và là một nhà sản xuất phim năng động, khéo nắm bắt thị hiếu khán giả. Liên tiếp từ những năm sau đó cho đến năm 1970, Kim Cương hoạt động sôi nổi và tâm huyết trong lĩnh vực điện ảnh với rất nhiều bộ phim khác nữa như: Mưa trong bình minh, Đôi mắt huyền, Mưa rừng, Nửa đời hương phấn, Chiến bóng bên đường, Tứ quái Sài Gòn… Sau 1975, Kim Cương cho ra mắt 5 phim vidéo: Trà Hoa nữ, Lá sầu riêng, Sắc hoa màu nhớ, Người tình trễ xe và Biển động. Có lúc, chị tâm sự: “Phim nào cũng bị ‘mất’, mình không giữ được. Chưa ra thì các cửa hàng cho thuê vidéo đã có rồi, lắm khi phải thực hiện chính sách bán lúa non”… Hình ảnh Kim Cương hiện diện liên tục trên rất nhiều tờ báo lúc bấy giờ như: Màn ảnh sân khấu, Kịch trường, Tiếng chuông, Lẽ sống…. Nghệ sĩ hoạt động tưng bừng, như chưa hề biết mệt mỏi và có doanh thu cao, thành công rực rỡ về mặt tài chánh. Kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất phim, Kim Cương tỏ ra rất vững vàng mỗi khi phải đương đầu với những khó khăn. Càng thành công, càng gặp phải buồn phiền, rắc rối do vấn đề đố kỵ vì tài năng và quyền lợi trong nghề nghiệp. Trong khi những bộ phim do Kim Cương thực hiện rất ăn khách, được chiếu hết rạp này đến rạp nọ, thì một số phim Việt khác bị một số chủ rạp không cho trình chiếu, đã phải ngất ngư, nằm chờ chết. Do đó mà Kim Cương cũng không tránh khỏi điều thị phi, tai tiếng dù không đúng với thực tế.
Trong khi đang thành công trên lĩnh vực điện ảnh, Kim Cương lại bước chân sang phạm vi kịch nói. Thấy vậy, bạn bè sau này muốn biết nguyên nhân, Kim Cương vui vẻ tâm sự: “ Năm 1960, Sài Gòn chưa có một đoàn kịch nói nào, tôi cảm nhận cái mũi nhọn xã hội của kịch nói nên lập đoàn Dân Nam - Kim Cương. Trong bối cảnh, công chúng đã quen và say mê với nghệ thuật sân khấu cải lương với những tài tử, danh ca hạng sao, kịch nói còn mới mẻ, chưa ăn khách, không soạn giả nào chịu viết những vở kịch nói. Vậy là tôi mạnh dạn tự viết cho đoàn diễn. Viết xong, đến lúc ký tên soạn giả…thì nghĩ: tên mình chăng ? Không được ! Người ta chỉ xem đào Kim Cương hát, chứ Kim Cương soạn giả kịch nói thì chẳng ai ngó tới. Vậy là cái tên Hoàng Dũng ra đời. Thà là cái anh Hoàng Dũng lạ hoắc mới mẻ viết kịch bản cho kịch nói còn hơn…”. Lối viết kịch bản của chị cũng rất đặc biệt. Sau khi đã nghĩ ra được đề tài, dàn dựng lớp, cảnh nhuần nhuyễn trong đầu, chị bắt tay vào viết. Công đoạn viết thường bắt đầu từ lúc 12 giờ đêm sau buổi diễn, ý nghĩ đến quá nhanh khiến Kim Cương tự viết không kịp, nên chị tự một mình đóng tất cả các vai diễn trong lời thoại để cho hai chuyên gia đánh máy phụ giúp mới kịp. Đôi khi công đoạn này mới được thực hiện vào ban ngày, bởi thời gian đó bận nhiều việc, chị dễ bị phân tâm, làm cản trở mạch suy nghĩ. Năm 1970, chị lập Kim Cương phim, kịch nói và điện ảnh và được chị duy trì sóng đôi hỗ trợ cho nhau từ đó. Nghệ sĩ Kim Cương nổi tiếng trước hết với kịch bản “Lá sầu riêng” vẽ lên hình ảnh một cô gái quê đẹp nhất nhưng cũng buồn nhất. Tác phầm “Dưới hai màu áo” cũng là một thành công rực rỡ của Kim Cương. Sau 1975, Kim Cương và đoàn kịch của mình là lá cờ đầu của nền thoại kịch miền Nam. Khi đó, đoàn Kim Cương có nhiều thoại kịch thật hay và tập họp được nhiều diễn viên gạo cội như: Túy Hoa, Ngọc Đức, Tú Trinh, Ngọc Đan Thanh, Kiều Phương Loan, Huỳnh Thanh Trà, Vân Hùng…Vân Hùng, sau một thời gian vắng bóng, đến năm 1987-1988 lại tái xuất giang hồ, cùng diễn lại vở “Lá sầu riêng” với Kim Cương ở nhà hát Hòa Bình. Trong vở “ Nhân danh công lý”, Kim Cương thu vai bà mẹ, vợ một ông lớn, ra sức chạy thuốc cho cậu quý tử (Mai Trần thủ diễn) lỡ mang tội hình sự với cảnh độc đáo – mỗi khi bà mẹ chuẩn bị đi gõ cửa ông lớn nào, thì bà lại bật cái dù ra che, biểu tượng ô dù này đi xuyên suốt vở kịch. Khi Kim Cương dựng kịch nước ngoài, cụ thể là vở kịch Nga “Tania” cũng rất ấn tượng. Ở vở này, Kim Cương thủ vai cô sinh viên y khoa thích chơi hơn ham học. Đến khi biết được con mình bị bệnh bạch cầu, thì mới biết mình không đủ kiến thức để cứu con… Rồi đến những vở như : Lôi Vũ, Người tình trễ xe, Bông hồng cài áo, Vực thẳm chiều cao…Kim Cương đều tiếp tục gặt hái những thành công rực rỡ khi đứng diễn trên sân khấu của mình, càng khẳng định thêm ở chị một chân tài kịch nghệ không ai có thể phủ nhận được. Gần 70 vở kịch do chị viết hay phóng tác và thủ vai chính, có những vở đã một thời vang bóng, nhưng đến nay, ai có dịp nghe nhắc lại, cũng thấy dậy lên những cảm xúc như : Lá sâu riêng, Dưới hai màu áo, Trà Hoa nữ, Tôi làm mẹ, Bông hồng cài áo…Có một điều mà hầu hết khán giả và những fan trung thành của sân khấu có Kim Cương đứng diễn, đều nhận rõ ở người nữ nghệ sĩ này là Kim Cương sở trường rõ nét ở những vai bi , rất dễ dàng khóc và tuôn nước mắt dầm dề bất cứ lúc nào. Về giai thoại Kim Cương khóc, NSND Phùng Há đã từng đề cập đến trong phim Chân dung về cuộc đời của nghệ sĩ. Ngoài ra cũng còn một mẩu chuyện khác từng được nhắc lại trên báo Truyện phim năm 1957. Lần đó, Kim Cương đóng phim Trương Chi và Mỵ Nương. Trong quá trình quay phim, khi đến cảnh Mỵ Nương nhìn chén ngọc và thấy hồn Trương Chi trong chén, Kim Cương cảm động và khóc. Theo yêu cầu của đạo diễn, Kim Cương trong vai Mỵ Nương, chỉ cần nhỏ vài giọt nước mắt rớt vào chén để cho hồn Trương Chi tan biến vào hư vô. Nhưng Kim Cương diễn quá tình cảm, do quá nhập vai như đã hóa thân thực sự vào nhân vật nên chị đã khóc sướt mướt, khóc một cách ngon lành nước mắt đầm đìa, như chưa bao giờ được khóc, hơn cả tiếng đồng hồ khi những cameramen quay đi quay lại.
Khi xem vở kịch Trở về mái nhà xưa do chị sáng tác, mà Kim Cương thủ vai chính Onga, một vai diễn chính rất phức tạp và đa dạng về cuộc sống nội tâm, khán giả biết được nữ nhân vật Onga đã trải qua một quảng đời khốc liệt dằn vặt với khổ đau sau khi chị đã vỡ lẽ ra mình đã bỏ người chồng đầu ấp tay gối cùng bốn đứa con thơ dại trong gia đình yên ấm lên tận Moskova để sống với một người đàn ông khác là một sai lầm khủng khiếp. Chị quyết định trở về mái nhà xưa yêu dấu cùng chồng con để tìm lại cuộc sống yên bình. Nhưng người chồng chị, trước đây từng yêu chị tha thiết mà chị đã bỏ đi, giờ đây chỉ có thể xem chị như một người bạn, vì anh đã có một tình yêu mới. Nghệ sĩ Kim Cương đã diễn tả rất xuất sắc và thông minh khi thể hiện quá trình chuyển biến tâm trạng vô cùng phức tạp của Onga. Từ lúc bước chân trở về nhà với tâm trạng hy vọng, lòng phập phòng chờ đợi đến lúc nhận ra sự muộn màng của mình, biết không giành lại được hạnh phúc, Onga đã phải ra đi trong một hoàn cảnh thê thảm, khi tuyệt vọng trở về mái nhà xưa yêu thương đầy kỷ niệm với chồng con. Từng cử chỉ, thái độ biểu hiện tâm trạng, dao động từ tâm trạng này qua tâm trạng khác trong từng khoảnh khắc, sự phân thân làm hai con người của Onga qua từng tình huống, được nghệ sĩ Kim Cương biểu đạt hết sức tinh tế và kỹ lưỡng cùng với sự chọn lọc động tác, câu nói, lời hát bằng chất giọng Nam bộ đầy màu sắc nội tâm và hết sức truyền cảm.
Về chuyện tình cảm gia đình, người ta biết Kim Cương lấy chồng ở tuổi 36 được coi là khá muộn so với một nữ nghệ sĩ tài sắc song toàn như chị. Dù có không ít trang tài tử văn nhân hay người có vai vế, địa vị trong xã hội muốn được người nghệ sĩ tài hoa này để vào mắt xanh để tiến đến chuyện trăm năm. Nhưng do môi trường làm việc của hai vợ chồng không gần nhau, sau một lần chuyện hôn nhân không thành với một quan chức ngành tư pháp T.T.O, Kim Cương lại phải chia tay với người chồng ký giả Trần Trọng Thức sau khi đã có một con là bé To-Ro rồi đến người đàn ông thứ ba tên Túc - một quan hai hải quân cộng hòa - đã đi qua cuộc đời tình ái của chị, hai người cũng có một con với nhau, nhưng rồi về sau tất cả cũng chỉ là sương khói. Trong thời gian đó, có danh sĩ Bùi Giáng mà ai cũng từng biết tiếng tăm, lần đầu tiên đã tìm đến với Kim Cương (mới 19 tuổi) lúc bấy giờ nhưng đã là một kỳ nữ và bày tỏ bằng thái độ và lời lẽ tha thiết yêu chị. Dù từng mua quà, tiêu biểu là cặp kính lão để tặng nhà thơ nhưng Kim Cương từ chối tình yêu của ông bày tỏ bằng thái độ và thi ca trong suốt cuộc đời với mình. Vì Kim Cương cho là nhà thơ tài hoa đó không bình thường dẫu rằng trí nhớ của ông rất tuyệt vời: không bao giờ quên số điện thoại của Kim Cương . Người ta hay nhắc lại chuyện ân tình có dính dáng giữa thi sĩ Bùi Giáng và kỳ nữ Kim Cương như sau: Sau khi mang cặp kính lão được Kim Cương tặng, có lần, nhà thơ Bùi Giáng bị người ta đánh vỡ mất một tròng kính. Thấy thi sĩ rất buồn, Kim Cương dỗ: “Để tôi mua kính mới cho anh nha !”. Bùi Giáng lắc đầu : “Thôi khỏi, nhìn đời bằng một con mắt là đủ rồi”, minh họa đúng hệt như câu thơ thi sĩ đã từng viết; “Bây giờ riêng đối diện tôi/ Còn hai con mắt, khóc người một con”. Như vậy là từ khi xa hẵn ánh đèn sân khấu và khán giả mộ điệu, Kim Cương vẫn sống lầm lũi một mình với đứa cháu nội và nghe lời hòa thượng Thanh Từ ở thiền viện Thường Chiếu là buông tất cả để khỏi phải khổ lụy và… để làm từ thiện. Dù có người quan niệm “xướng ca vô loại” nhưng Kim Cương vẫn cho rằng “Nghề hát là cái đạo”.
Tóm lại, dường như cuộc đời của nghệ sĩ Kim Cương cũng được minh họa bằng những nét tương đồng về đường duyên phận với hầu hết những nghệ sĩ tài sắc khác, theo đúng với quan niệm “Hồng nhan đa truân” như Thanh Nga, nàng Tiểu Thanh, Thúy Kiều…Xuất thân từ một họ tộc gia đình ba thế hệ gồm trên 12 thành viên là nghệ sĩ hoặc làm công tác nghệ thuật, trong đó có 3 nghệ sĩ nhân dân tài đức vẹn toàn : Năm Phỉ, Bảy Nam và Kim Cương. Họ suốt đời thủy chung, tận tụy với nghề ca hát và ánh đèn sân khấu, riêng nghệ sĩ nhân dân Kim Cương đã trở thành một con người của công chúng thì không phải là một điều xa lạ. Với Kim Cương, một chân dung nghệ sĩ nhân dân tài năng và đạo đức như một tượng đài nghệ thuật (ý của nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc), chói sáng trên ba bình diện: nghệ sĩ sân khấu cải lương - thoại kịch - minh tinh màn ảnh, một nhà quản lý nghệ thuật năng động và là một tác giả kịch bản thiên bẩm, sung sức nên hình ảnh và tên tuổi nghệ sĩ Kim Cương chắc chắn sẽ mãi lưu lại dấu ấn tốt đẹp trong làng nghệ thuật nước nhà.
5.10.2016
T. N