Nhớ mãi giọng ca buồn
Truyện ngắn
Chiếc xe Honda 87 cà tàng màu lam sậm rì rầm chạy vừa khỏi cầu Quang Trung, Đan chậm rãi giảm ga, rẽ phải bò cặp xuống theo mang cá cầu. Nhóm sinh viên hiểu ý chàng, thong dong nối đuôi theo người thầy dạy mỹ thuật. Sáng nay, Đan chủ động thay đổi bối cảnh nhằm gây cho sinh viên cảm xúc mới lạ, mang hơi ấm thời sự. Đan thầm nghĩ: chợ nổi Cái Răng hay Phong Điền, với cảnh ghe thuyền bềnh bồng trên sông nước hay di tích đậm dấu ấn lịch sử, văn học ở Bình Thủy, Ô Môn là đề tài quen thuộc đã xuất hiện nhiều trên khung vải của thầy trò Đan.
Xe máy của đoàn họa sĩ tương lai chạy luồn qua dạ cầu, lục tục đảo ra vàm sông Cần Thơ. Trông từ xa như chú bạch xà lượn mình, con lộ nhỏ cặp ven bờ Hưng Phú lượn lờ uốn khúc với những chiếc cầu xi măng chật hẹp. Bên trong bờ con lộ nhỏ ngoằn ngoèo, xanh um những tán cây xoài, cóc, so đũa thân mật giao đầu, tạo nên sắc màu dễ chịu trong không khí mát mẽ buổi sáng của vùng sông nước. Bờ sông cạnh mé lộ, lác đác vài cây bần lá cành thưa thớt, ngâm chân dưới nước, như những anh lính gác giặc thời chiến, trong tư thế nghiêm trang đang canh giữ cõi bờ. Cần Thơ với cao ốc chênh vênh, ăng ten tua tủa, và tàu thuyền san sát cặp bến nơi bờ kè trông từ Hưng Phú, như một thành phố biển nhộn nhịp miền nam nước Ý.
- Thầy ơi, đi đâu giờ hỡ thầy. Mặt mày hớn hở, nhí nhảnh, một nữ sinh, tay vừa cởi chiếc khẩu trang , giọng ngây thơ hỏi Đan.
- Cứ chạy theo sư phụ mà, làm gì sốt ruột thế. Một nam sinh ăn cơm hớt đáp lại khi thầy giáo chưa kịp trả lời người bạn gái.
- Cũng gần tới chỗ rồi các em, kiên nhẫn chạy ít phút nữa thôi. Đan vui vẻ trấn an học trò.
Hằng năm cứ đến ngày chớm đông, tiết trời khô ráo, vào chủ nhật hay ngày lễ, Đan thường hướng dẫn các học sinh mỹ thuật đi vẽ ngoài trời, một thói quen rất nghệ sĩ mà anh học tập được từ thầy cô giáo sư họa sĩ thuở Đan còn mài cọ ở Trường Mỹ thuật. Phong cảnh nhà cửa, xe cộ đậm tính công nghiệp thành phố quen thuộc đã trở nên khô khan, hôm nay thầy trò Đan hăm hở hành quân ra vùng thiên nhiên ngoại ô, để vẽ phong cảnh, dự định xế chiều mới về nhà. Đám học sinh, sau khi tự điểm tâm buổi sáng, tập trung tại trường đúng giờ hẹn. Ngoài bìa kẹp thay cho giá vẽ cùng giấy bút, cọ màu, các em trang bị thêm xôi, hay bánh mì… và chai nước suối. Trên khuôn mặt mọi người biểu lộ một niềm vui háo hức, tin yêu.
Qua khỏi khúc lộ quành vàm sông Cần Thơ, đi một quãng vài trăm mét hướng về cảng Cái Cui, Đan ra dấu cho đoàn chậm lại. Gần đến cồn Ấu, chàng đưa mắt nhìn về cầu Cần Thơ, rảo mắt quan sát một vòng cảnh vật xung quanh. Đan tìm được bên lạch nước một chỗ khá yên tĩnh, bãi đất lún phún cỏ may, cỏ chỉ bên dưới một tàn xoài phủ mát bón- Nơi này ổn rồi. Mỗi em tự tìm một chỗ thích hợp để tác nghiệp.
Đan đặt giá vẽ hướng về chiếc cầu thế kỷ dài nhất Đông Nam Á, mà anh thường coi đó là thành tựu đáng tự hào của người Việt Nam sau khi đất nước thống nhất. Nhưng bất chợt chàng cảm thấy ngậm ngùi về những mất mát hy sinh nghiệt ngã của những công nhân bất hạnh từng góp tay xây dựng nên nó. Dưới ánh bình minh rực rỡ nhuộm hồng từ phía chân trời xa tít bên kia bờ sông Hậu, cầu Cần Thơ uy nghi hiện ra như một mống trời vĩ đại. Dáng đứng sừng sững hiên ngang, chiếc cầu mới nằm vắt mình ngang con sông rộng, nối liền mạch giao thông cả nước. Nhịp cầu như chiếc ngực vạm vỡ của lực sĩ Hà Châu* và những mống cầu là những cặp chân săn chắc của thần trụ trời từ xa trông như những ngó sen khổng lồ muốn vút thẳng lên tận mây trời. Bên dưới lòng cầu, dòng sông Hậu hiền hòa, phẳng lặng, căng dài như một dải lụa, lấp lánh dát vàng ánh nắng thủy tinh buổi sớm. Bâng khuâng trước cảnh trời cao sông rộng, tâm hồn cảm xúc, Đan vụt ngâm khe khẻ chỉ đủ mình nghe : “Sóng gợn tràng giang…” nhưng bỗng chàng vội ngừng lại vì vừa kịp nghĩ ra vế sau câu thơ nổi tiếng trên không còn phù hợp với hoàn cảnh đất nước phồn thịnh của chàng hôm nay.
- Thầy ơi, thầy xem hộ em coi phác thảo thế nầy được chưa?
- Bố cục em như vầy ổn không hỡ thầy?
- Thầy chỉnh hộ lại giùm em…!
Tiếng nói vui vẻ hồn nhiên của đám học trò thân yêu đánh thức Đan trở về thực tại. Chàng rời giá vẽ, chậm rãi đến từng tác phẩm học trò; khi thì nhận xét, giải thích, khi thì chàng cầm bút chì hay cọ ân cần hướng dẫn các em củng cố lại bài thực tập. Bằng động tác quen thuộc, Đan giúp học trò điều chỉnh lại chi tiết, sắc độ, ánh sáng bức tranh, hoặc chọn lại điểm nhìn, vạch lại đường chân trời cho phong cảnh trông hun hút trữ tình hơn.
- Bố cục cắt ngang hay cắt dọc là nên tránh. Để được một bức tranh đẹp, các em nên thiết kế theo bố cục tam giác.
Kiến thức kinh điển được xem là mẫu mực ở trường mỹ thuật, lời khuyên quí giá của các giáo sư họa sĩ đàn anh từ trải nghiệm thực tế sinh hoạt nghệ thuật, Đan cảm thấy sung sướng và hảnh diện được truyền thụ lại cho thế hệ đàn em tỏ ra tha thiết đắm say với cái Đẹp qua nghệ thuật tạo hình. Sinh viên, học sinh, từng em yên lặng, đôi mắt long lanh, chăm chú lắng nghe Đan như uống từng lời giảng chân tình của người thầy học giàu tâm hồn nghệ sĩ.
- Bình minh rực rỡ lên rồi, em nên tăng thêm nồng độ gam hồng chung quanh mặt trời. Vừa hướng dẫn cho sinh viên, Đan liên hệ đến bức tranh nổi tiếng “Ấn tượng, mặt trời lên” của danh họa ấn tượng Pháp Monet và các họa sĩ phong cảnh bậc thầy Cézanne, Pissaro. Chàng lưu ý các em, trên cơ sở phát huy giá trị tinh túy của nghệ thuật chân chính, cũng cần nỗ lực khai phá và khơi dậy nét đặc thù sáng tạo của mỗi người cầm cọ…
Say sưa trao đổi kinh nghiệm với học trò, Đan cơ hồ bỏ quên chiếc giá vẽ với mấy nét phác thảo qua loa của chàng trên khung bố đứng lạnh lùng chờ đợi chàng trong góc vườn tĩnh lặng.
Nghệ thuật với Đan là một thế giới diệu kỳ, hướng chàng về chân trời phía trước cùng các hoạ sĩ vươn lên kiếm tìm cái Đẹp. Được nuôi dưỡng từ tấm bé bằng hương vị ca dao qua lời ru ngọt ngào của mẹ hiền và lớn lên bằng hơi ấm lời thơ của người cha thiết tha với văn
chương tiếng mẹ, Đan đã đến sớm với văn nghệ trong những ngày thơ ấu còn học sơ đẳng ở trường làng. Từ khi ra tỉnh học đến lúc bước chân ra trường đời, dù phải qua bao chìm nổi đắng cay trong cuộc sống đa đoan, chàng vẫn thủy chung với bút cọ sắc màu như một cơ duyên tiền định. Tâm hồn yêu thiên nhiên tha thiết mà phải sống giữa chốn đô thành cát bụi ồn ào tiếng xe cộ ngày đêm, Đan cảm thấy khát khao một chút hương vị của núi rừng hay mùi hoang dã của ruộng đồng sông nước. Những ngày rảnh việc Đan thường cùng các bạn họa sĩ và đám học trò học mỹ thuật đi về một miền quê yên tĩnh ngoại ô thành phố để vẽ phong cảnh.
- Xin chào …, họa sĩ vẽ tranh đẹp quá!
Giọng nữ nhỏ nhẹ trong trẻo bất ngờ khiến Đan dừng tay cọ. Chàng chẫm rãi lùi xa giá vẽ một bước, mắt nhìn về hướng cô gái.
- Dạ, xin chào cô !
Đan đáp, giọng như chưa kịp ý thức gì trước cô gái xa lạ. Nhưng Đan bỗng lầm thầm trong óc : “Tóc dài cho ốm dáng gầy”. - Sao lại thế? Mình tỉnh hay mơ ? Cô gái dáng tầm thước có hình vóc mảnh mai trước mặt chàng, với khuôn mặt trái xoan trên đó nổi bật lên đôi mắt nhung buồn và mái tóc đen dài óng mượt buông lơi, phủ hết bên một bờ vai sao lại giống như in Thanh Thúy yêu thương của chàng ngày nào…?
- ……………!
- Thưa, nhà cô ở gần đây? Tôi là Đan, giáo viên Mỹ thuật, còn quý danh cô là … ? Đan ấp úng nhìn cô gái mới gặp như muốn gợi chuyện để làm quen.
- Dạ, em tên Lan, Mỹ Lan. Nhà em ở bên kia Cồn Ấu. Ánh mắt long lanh nhìn Đan, Mỹ Lan vừa nói tay nàng vừa chỉ sang bên kia bờ sông, xanh thắm những vườn cây tạp nơi chàng có lần qua sông đến đó gác chim rừng để thư giản tâm hồn giữa cảnh thiên nhiên trong những ngày không bận việc.
- Thế chắc cô có việc mới sang đây?
- Dạ, hôm nay nhân ngày nghỉ, em đi chợ sớm thay cho mẹ, về ngang đây thấy… th … chú và các em vẽ tranh thích quá, em ngưỡng mộ, dự định dừng lại đứng nhìn trộm … Giọng Mỹ Lan trong trẻo, nhỏ nhẹ rất gợi cảm khiến Đan đoán nàng là cô gái có trình độ văn hóa của một gia đình gia giáo. Nhưng Đan chợt nhận ra dường như ban đầu nàng muốn gọi chàng là thầy… nhưng không hiểu sao lại đổi cách gọi lại chàng bằng chú. Chàng nghĩ là chắc có duyên do gì đây. Đan ngẫm nghĩ : mới gặp nhau mà gọi là thầy thì không có cơ sở dù rằng nàng biết chắc mình là thầy giáo vì có đám đệ tử lủ khủ theo cạnh. Cũng có thể là nàng thấy tuổi tác không chênh lệch mấy nên gọi chàng là chú. Chú là em của cha, còn trẻ, đúng với độ tuổi trung niên của chàng. Hay là nàng lại quá đáo để khi nhớ lại có nhạc sĩ đã lên tiếng trước người đẹp : Đừng gọi anh bằng chú thì chắc chắn là có ẩn ý rồi. Nghĩ đến đây, Đan bỗng cười thầm trong bụng là có lần chàng đã giải thích ý nghĩa của từ chú cho trước mặt nhiều người khi một thằng bạn của chàng được một cô gái trẻ nhí nhảnh gọi anh ấy là chú. Lúc đó, Đan làm ra vẻ nghiêm trang : Theo Tâm lý Ái tình Bách khoa Tự điển, chữ chú thuộc loại tâm thán từ lần lượt có ba nghĩa : nghĩa 1 là anh yêu ơi! ; nghĩa 2 là Em yêu anh ! và nghĩa 3 là Em muốn theo anh ! Đan làm ai nấy cười vỡ bụng, khiến cô gái thêm ửng hồng đôi má…
- Thế Mỹ Lan có yêu hội họa không?
- Dạ, em say mê mỹ thuật từ nhỏ nhưng hoàn cảnh gia đình chưa có cơ hội cho em đi học hội họa. Đứng trò chuyện với Đan, Mỹ Lan đưa mắt nhìn từ chiếc giá vẽ dựng cao lênh
khênh bên cạnh Đan đến những tuýp màu nhỏ xinh xắn mà Đan vừa mới bốc ra khỏi hộp, nằm lổm ngổm trên bệ gỗ dưới khung vải khiến nàng tỏ ra thích thú.
- Vậy nếu có người tạo điều kiện cho Mỹ Lan đi học Mỹ thuật thì cô nghĩ sao?
- Dạ, em chưa dám mơ được may mắn đó để thỏa mãn cho ước mơ thầm kín của em ấp ủ từ lâu nay. Do vậy em chưa từng được tiếp xúc với màu cọ bao giờ. Giọng nói Mỹ Lan chậm rãi, thoáng gợn âm hưởng một nỗi buồn e ấp trong lòng như thể hôm nay nàng mới có dịp thổ lộ tâm sự mình với người khác. Làn gió nhẹ rì rào từ sông Hậu chợt thoảng đưa vào thì thào như cảm thông muốn san sẻ với nàng. Cùng lúc ấy, ánh nắng buổi trưa trong như thủy tinh len lỏi qua đám cành lá xoài rậm rạp làm sáng lên khuôn mặt trái xoan và long lanh một niềm tin tưởng ở đôi mắt phượng của Mỹ Lan.
Đan hứa sẽ tạo cơ hội trước cho Mỹ Lan đi học Trung cấp Mỹ thuật, sau đó sẽ tiếp tục theo lần lên Đại học, phù hợp với ước vọng và hoàn cảnh của nàng. Đám học sinh của Đan để yên cho thầy trò chuyện với khách, ít hỏi han thầy mà chỉ tập trung lo vẽ. Dù vậy, thỉnh thoảng anh vẫn đến gần các em và nhắc nhở :
- Em nên hạ đường chân trời xuống một chút để bối cảnh rộng thoáng hơn, tương hợp với dòng sông Hậu mênh mang.- Còn em thì giảm bớt sắc độ màu lam để thể hiện trung thực bầu trời quang đảng buổi sáng.
Buổi sáng chủ nhật như mọi lần. Hôm nay, sắc trời xanh trong , mượt mà khiến cho không gian một quãng dài sông Hậu rộng lớn hơn giữa đôi bờ xa lắt. Đúng ngày, Mỹ Lan tìm đến vị trí cũ đã hẹn với Đan trong khi anh đã đến trước và đang đợi nàng ngồi làm mẫu cho anh vẽ tặng nàng. Với sự hướng dẫn ân cần cúa Đan, Mỹ Lan nhẹ nhàng ngồi trên một bục gỗ, tựa lưng vào thân cây phong, đôi chân xếp về cùng một bên dưới tán lá phong sum suê, xanh thắm. Mặt nàng hướng xa xăm về cầu Cần Thơ. Mái tóc dài nhung mượt của Mỹ Lan vắt tạt sang một bên vai, khuất một phần sau chiếc cổ thon màu da trắng mịn, Đan đặt giá vẽ tại một vị trí thuận lợi cho anh có thể đưa vào tác phẩm hợp lý cả người và cảnh. Bỗng Đan bất chợt suy nghĩ và cười thầm một mình về bối cảnh anh sắp đặt : Sao giống y như cảnh tượng nàng Tô Thị trông chồng!
Mặt trời chưa lên cao, bóng cây lênh khênh đổ dài trên mặt đất lún phún cỏ dại. Cơn gió nhẹ từ sông Hậu hiu hiu thoảng vào, thoáng dậy lên mùi hăng hắc của đất ẩm và lá mục quyện với hương cỏ dại miệt vườn gay gay buổi sáng khiến Đan có cảm giác thân quen dễ chịu như những ngày còn bé thơ anh thường sáng chiều ra đồng thăm rẫy cùng mẹ.
- Tốt rồi Mỹ Lan, em cố giữ yên tư thế đó độ mươi phút để tôi lấy croquis là xong…
Việc phác thảo bước đầu bằng bút chì vừa tạm ổn, Đan lấy ra trong túi xách chiếc máy ảnh kỹ thuật số mà một em học trò từ hải ngoại mang về tặng anh. Đan phòng xa, chụp thêm mấy poses cùng một đề tài để hỗ trợ thêm cho anh trong việc hoàn thành nốt họa phẩm khi trở về phòng vẽ.
* * *
Thắm thoát đã bốn năm sau qua, Mỹ Lan miệt mài tiếp tục khoá Đại học Mỹ thuật sau khi đỗ Trung cấp. Những hôm không có giờ học ở trường, nàng đến luyện tập tại phòng vẽ của Đan để được chàng hướng dẫn thêm về kiến thức hội hoạ. Mái trên che tạm bằng simili, Studio của Đan nằm kề vách phòng việc để chàng tranh thủ thời gian quí hiếm cho việc cầm
cọ. Đang lúi húi mở những tuýp màu để chỉnh lại cho bức chân dung phụ nữ sắp sửa hoàn thành, Đan khẽ nghe có tiếng người dừng xe đạp trước của:
- Chào hoạ sĩ ! Anh Đan vẽ thần tượng nào đấy ? Người đẹp trong tranh của hoạ sĩ quả là một trang tuyệt thế giai nhân !
Mỹ Lan chăm chú nhìn chân dung người con gái thoáng vẻ liêu trai mà cũng không kém phần rực lửa dưới nghệ thuật sử dụng gam hồng tinh tế đầy sáng tạo của tác giả. Mỹ Lan nói chậm rãi, giọng dịu dàng mà không nhìn vào đôi mắt chàng như mọi lần. Nhưng Đan sớm nhận ra ở giọng nàng một thoáng ngậm ngùi xa vắng… Đan như hiểu được tâm trạng nàng nên cố đánh thức ở Mỹ Lan một niềm tin yêu tích cực…
- A, chào Mỹ Lan. Sáng nay, cô không có giờ học à ? - Dạ, sáng nay giáo viên dạy môn Lịch sử Mỹ thuật thế giới bận họp, bọn em nghỉ trọn buổi sáng… Mẹ bảo em đến thăm anh, nhân tiện gởi anh mấy trái xoài cát Hoà Lộc đầu mùa vừa chín bói em mới hái. Mỹ Lan nhẹ nhàng đặt bọc trái cây trên chiếc bàn gỗ cũ gần cửa sổ, mặt bàn lốm đốm những vệt màu trông như da con tắc kè lửa.
Vừa dứt lời, Mỹ Lan tiếp tục lấy ra từ trong một gói dài bao bằng mấy tờ giấy ruột nhật báo một chiếc khăn đan màu lam nhạt thoang thoảng mùi nước hoa dễ chịu. Nàng nhìn Đan, dịu dàng:
- Riêng em, em… gởi anh chiếc khăn lông tự tay em đan để anh quấn cổ mỗi khi thức khuya làm việc trong những khi tiết trời trở lạnh. Đan trìu mến nhìn Mỹ Lan, hiểu ra được tấm lòng sâu kín của nàng qua sự chăm sóc đã thể hiện một tình yêu thương thầm lặng ấp ủ trong tim nàng tự mấy năm qua. Bất giác, Đan tự trách mình sao quá dửng dưng đến vô tình trong thái độ nhận mà không cho với bất cứ người con gái nào đã tỏ ra có tình ý với chàng. Trên bước đường lãng tử đây đó tha phương, Đan bâng khuâng nhớ lại có không ít những bóng giai nhân đã để mắt xanh theo đuổi chàng nhưng Đan vẫn lạnh lùng.
- Thầy cho em được ở lại đây nấu cơm cho thầy và trông coi các em.
- Anh Đan cho em được theo anh về đồng bằng… Thấy Đan sống một mình với thân phận gà trống nuôi con, nhiều cô gái nói có vẻ nửa đùa nửa thực trong những lần tìm đến nhà hay gặp Đan trong lần anh đi thực tế nơi thành phố biển cùng đoàn văn nghệ sĩ. Và bao nhiêu cánh thư màu xanh còn thoảng mùi nước hoa… bất chợt đến với chàng mỗi ngày từ những phương trời xa lạ. Những Thuỷ, Anh…ở LM thị trấn không đèn, những Điều, Du, Lan… nơi xứ VT heo hút nắng bụi mưa bùn, hay những Đẹp, Hạnh, Cầm, Mộng,…của xứ lúa Thới Đông với Đan bao giờ cũng là hình bóng những người con gái đẹp đáng yêu trong giấc mơ tiên của chàng. Đôi lúc chàng tự nghĩ mình ngờ nghệch như chàng trâu đực ù lỳ bị bủa vây bởi những chiếc cột sống lãng mạn đa tình. Tất cả nàng Thơ đều mang đến cho Đan kỷ niệm êm đềm thâm thúy khó quên, nhưng đó chỉ là những trận mưa mây, chưa phải là hiện thực trong thẩm sâu khung trời tình ái của chàng. Vì lẽ đằng đẳng mấy mươi năm qua trong tim Đan chỉ ngự trị có một bóng người…
Ngày ra trường, Đan nhận hoán chuyển cho thằng bạn học quê ở miền Trung về dạy tại Long Mỹ. Bạn Đan cho Trà Ban lớn ** là vùng nước mặn đồng chua, đường đi về gập ghềnh nguy hiểm vì thường bị đấp mô, đào đứt đoạn hay có lúc xe hơi chở hành khách phải liều lĩnh chạy qua trong làn đạn giao tranh vô tình của hai phía. Với Đan, chàng nghĩ trên đất nước Việt Nam ở đâu cũng là quê hương và con người chỉ thục sự trưởng thành trong thử thách hiểm nguy. Là giống nòi tình giàu cảm luỵ, Đan trĩu nặng trong lòng một tình yêu đa phương. Về Long Mỹ ngày ấy, Đan phụ trách môn Việt văn và Mỹ thuật theo nguyện vọng dù anh có đủ điều kiện chuyên môn để đứng lớp dạy Toán và Ngoại ngữ. Không như một bạn giáo viên dạy khoa học của Đan cho rằng theo ngành văn chương, làm văn thơ là để đi cua gái, Đan quan niệm văn học là tiếng mẹ đẻ, tiếng nói đích thực của quê hương,chứa đựng tình tự muôn đời của dân tộc. Dạy văn chương, Đan có cơ hội lồng các bài thơ Chiều, Con chim của tôi, Người mọi già, Dậy mà đi !…của nhà thơ Tố Hữu vào giờ giảng văn do chàng phụ trách để gợi khêu ở học sinh tình yêu dân nghèo lao động và tinh thần quật khởi… ở học sinh tình yêu dân nghèo lao động và tinh thần quật khởi….ở người dân nô lệ. Đan hằng thầm nghĩ, yêu mỹ thuật văn chương là yêu cái đẹp của thiên nhiên, là thể hiện tình cảm thuỷ chung của con người trước cảnh non sông gấm vóc của đất nước quê hương. Do vậy, Đan gắn bó suốt đời mình với văn nghệ. Dù bận rộn trăm phương với công việc suốt ngày , Đan vẫn tranh thủ vẽ lớn thêm tranh chân dung của các danh nhân như Quang Trung, Lê Lợi, Nguyễn Đình Chiểu… Đan đảm trách thêm tờ đặc san “Niềm Tin” in rô-nê-ô và ban Văn nghệ Thanh Thanh của trường Trung học ngoài lớp võ Ju-đô được tổ chức theo đề nghị của hiệu trưởng Nguyễn Văn Trương. Tờ đặc san được coi là tiếng nói của nhà trường ra mắt mỗi năm vào dịp tết Nguyên Đán. Ban Văn nghệ phụ trách vào các ngày lễ hội, và ngày bế giảng năm học. Đan hoạt động năng nỗ không biết mệt suốt tuần kể cả những buổi hướng dẫn học sinh lớp hội hoạ đi vẽ phong cảnh ngoài trời ở vùng ngoại ô thị trấn. Thời giờ với Đan như luôn dược sắp xếp khít khao trên từng cây số.
Như một nhân duyên định mệnh, Đan và Thanh Thuý đã gặp và thông cảm như hai kẻ đồng hội đồng thuyền. Nàng là một giáo viên tiểu học giỏi chuyên môn, tận tuỵ với nghề và yêu thương học trò. Thanh Thuý có đông anh em trong một gia đình lao động nhưng lại bất hạnh sớm mồ côi cha. Cha Thuý theo Việt Minh, đi hoạt động giữa khuya bị lính Năm Lửa bắt và bí mật giữa đêm khuya cho đi mò tôm mất xác. Mẹ Thuý già yếu, hay ốm đau, phải tần tảo bán buôn hằng ngày để nuôi đàn con dại. Thuý đến với Đan qua văn nghệ. Tân cổ nhạc Thuý đều ca hay, chắc nhịp như một ca sĩ nhà nghề. Giọng ca Thuý ngọt ngào, dễ cảm nhưng mang âm hưởng sầu thiên cổ. Dù là giáo viên, nàng vẫn xuất hiện đều đặn trong các buổi trình diễn văn nghệ trong vai trò ca diễn trong ca khúc hay các vở kịch ngắn do Đan sáng tác. Chàng không thể nào quên vai diễn nữ chính xuất thần đáng để đời của Thuý trong vở kịch thơ Huyền Trân Công chúa của Ngũ Lang mà Đan đảm nhiệm vai nhân vật Trần Khắc Chung trên sân khấu nhà lồng chợ huyện. Thuý mảnh mai, dáng đi nhẹ nhàng, phù hợp với nhạc buồn với giai điệu bi thương và độc đáo thể hiện được tính cách lãng mạn của vai nữ trong các vở kịch. Ca khúc Thương hoài, nhạc phẩm trữ tình đầu tiên của Nguyễn Thanh được Thuý trình bày khá thành công để lại dấu ấn tốt đẹp chung cho cà tác giả và ca sĩ trong buổi đầu hoạt động nghệ thuật tại Long Mỹ, một thị trấn nghèo, đíu hiu buồn tẻ. Ngày ngày, tiếng đại bác, tiếng bom B 52 đì đùng như địa chấn từ vùng xa. Đêm đêm rè rè soi mói tiếng những con đầm già L 19 lập loè trên bầu trời mịt mù hoang vắng như ánh ma trơi xen lẫn với ánh sáng trái hoả châu chói loà không gian mà một nhạc sĩ trước đây đã vô tình hay mỉa mai là ánh hoa đăng ngày cưới! Những chiều chủ nhật hay ngày lễ, công chức giáo viên không về nhà, tập trung tại gian phòng trọ trống hoác tồi tàn của Đan bên cạnh văn phòng nhà trường để duợt nhạc. Tiếng hát, tiếng đàn xoa dịu nỗi buồn của kẻ xa nhà đang làm việc nơi vùng nước mặn đồng chua.
Ngày lễ, hầu hết anh em giáo viên về thăm gia đình. Buổi tối, trên con đường vắng từ chợ
huyện dẫn đến trường, Thuý lững thững, tay cầm bản nhạc đến phòng trọ Đan trong khi chàng đang ôm đàn dạo lại một bản nhạc mới vừa sáng tác.
- Anh Đan, anh tập bản nhạc nầy cho em. Thuý vừa nói vừa trải trên mặt bàn ca khúc Nói đi anh của một nhạc sĩ nổi tiếng. Ca từ trong ca khúc trữ tình là những giai điệu dồn dập, thể
hiện lời giục giã nồng nàn cháy bỏng yêu đương của một thiếu nữ trước đối tác tình cảm của mình. Ân cần tập cho Thuý hát, Đan cũng nhận ra nàng hát xuất thần như thể tuôn trào ra hết nỗi lòng thầm kín của mình.
- Thuý hát bản nhạc mới nầy hay không thua bản Thương hoài em hát trên sân khấu ngoài trời vừa qua. Thuý tỏ ra mãn nguyện trước lời nhận xét chân tình của Đan…
Trời ngã khuya, phố chợ quạnh hiu. Thuý rời khỏi phòng về nhà trọ, đi độ một quãng đường, Đan chợt phát hiện ra trên miệng túi áo chàng treo gần cửa sổ một biểu tượng ĐT bằng kim loai màu bạc óng ánh rất xinh xắn và mỹ thuật… Hai chữ hoa Đ và T được chạm trỗ khéo léo theo kiểu chữ viết, với các chi tiết rất mỹ thuật đan kết vào nhau. Đan chợt nhớ có lần Thuý tâm sự với chàng:
- Em không dám cao vọng gì nhiều, chỉ mong sao có được một túp lều tranh với hai quả tim vàng. Và ước mơ của Thuý đã thành hiện thực. …
Tổ ấm của hai vợ chồng nhà giáo nghèo nằm khiêm tốn trong một khu xóm lao động
phức tạp trong nội ô thành phố. Mỗi ngày, sau buổi cơm trưa, Đan có thói quen nằm võng đọc báo mươi phút để chờ đến giờ đi dạy học. Tiết trời hè oi ả, Thuý ngồi bên cạnh tay cầm quạt giấy phe phẩy quạt cho chồng trước khi nàng tự cỡi xe đạp một mình đến trường. Hạnh phúc viên mãn trong cuộc sống lứa đôi đã kết tinh được cho hai vợ chồng những đứa con xinh xắn, ngoan hiền. Bỗng một hôm, chàng buồn bã nhận ra Thuý vốn đã gầy ốm lại có phần héo hắt xanh xao thêm… mà nàng đã âm thầm cam chịu qua bao năm tháng không cho Đan biết. Dù Đan hết lòng chạy chữa khi biết vợ đã vướng phải chứng bệnh ung thư quái ác, Thuý ngày càng tiều tuỵ, sớm xa anh và bỏ lại một đàn con dại mà đứa nhỏ nhất chưa đầy hai tháng tuổi. Thuý ơi, sao em nở để các con thơ sớm mồ côi mẹ, sao em đành bỏ anh một mình ! Giờ đây anh đệm đàn cho ai hát, đàn con dại của chúng mình cũng không còn cơ hội để được hồn nhiên gọi em mỗi ngày hai tiếng: Mẹ ơi ! …
Bầu trời Tây đô sang xuân, màu nắng thủy tinh lung linh không gian thành phố rộn rịp người qua lại. Phòng vẽ vắng lặng trong tiếng ồn ào xe cộ bên ngoài. Đan ngồi tư lự một mình với vẻ mặt đăm chiêu. Bỗng chốc, một luồng gió nhẹ từ sông Hậu hiu hiu thổi vào. Từ trên khoảng không, mấy chiếc lá sao khô lìa cành, lảo đảo chao lượn mấy vòng như con chim bị đạn rồi cắm phặp xuống mặt đường nhựa khô khan như nhắc Đan một lời khẳng định. Chàng lầm thầm trong tâm trí: Mỹ Lan hay bất cứ giai nhân nào đi nữa…dù giống in như Thanh Thuý, với ta cũng chỉ là ảo ảnh trước mắt chứ không bao giờ là thần tượng lý tưởng đích thực trong sâu thẳm tâm hồn chàng.
- Không, ta không dễ là một khách tình si nhẹ dạ bên đường. Với ta, trong thế giới tình yêu, ta yêu chỉ một lần !
03. 2015
NT
*Hà Châu : Đại lực sĩ gốc lục tỉnh, khét tiếng với màn trình diễn làm đứng tim người xem: nằm trên đường cho hủ lô hàng tấn cán qua.
** tên gọi khác của Long Mỹ