Trước ngày thống nhất đất nước, tại các đô thị miền Nam, những trường học tư được xem là chiếc nôi khá an toàn cho cán bộ hay văn nghệ sĩ kháng chiến hoạt động hợp pháp trong vùng tạm chiếm. Với lớp vỏ bọc nhà giáo, qua các bài giảng nơi lớp học, họ có điều kiện thuận lợi để lồng ghép tư tưởng yêu nước, từ đó dẫn dắt học sinh đến gần với những dấn thân vào cuộc đấu tranh cách mạng của dân tộc. Từ Cách mạng tháng Tám (1945) cho đến Đại thắng Mùa Xuân năm 1975, tại Cần Thơ, những tư thục như : Phụ huynh Học sinh, Bồ Đề...là nơi dạy học của các nhà giáo yêu nước như : Ung Ngọc Ky (1), Nguyễn Bá Thảo (2), Nguyễn Đức Minh (3)… Tại Sài Gòn, có các trường : Tân Thịnh, Huỳnh Khương Ninh… với những nhà giáo - nhà văn kháng chiến như : Thẩm Thệ Hà, Vũ Hạnh, …..Trong đó, nhà văn Vũ Hạnh là một ngòi bút độc đáo trong sinh hoạt văn nghệ miền Nam dưới chế độ đương thời.
Nhà văn Vũ Hạnh sinh năm 1926, tên thật trong khai sinh là Nguyễn Đức Dũng, người tỉnh Quảng Nam. Ngoài những bút danh khác như : Cô Phương Thảo, Nguyên Phủ, Minh Hữu, Hoàng Thanh Kỳ, A.Pazzi, riêng bút danh Vũ Hạnh được lấy từ tên một người bạn học cùng làng bị tù, trong lúc cả hai hoạt động cách mạng và bị bắt giam chung một phòng. Xuất thân trong một gia đình trí thức Nho học giàu có và có truyền thống yêu nước và là cháu ngoại của Tiến sĩ Phan Quang, một trong “Ngũ Phụng tề phi” của đất Quảng, Vũ Hạnh học trung học tại Huế. Sau khi được trực tiếp thụ giáo với những người thầy học tài năng và nhân cách như Chế Lan Viên, Hoài Thanh, Đoàn Phú Tứ …đến hết ban Tú Tài thì Nhật đảo chính Pháp. Với lòng yêu nước sẵn có, Vũ Hạnh quay về quê nhà tham gia Mặt trận Việt Minh. Ông thành lập Đội Võ trang Tuyên truyền, hăng hái hoạt động cho tới khi Cách mạng tháng Tám thành công. Nhưng quân Pháp lật lọng, đem quân trở lại xâm lược Việt Nam. Vũ Hạnh lập đoàn kịch Kháng chiến và làm công tác giáo dục ở vùng tự do Liên khu 5. Sau khi bị ngồi tù (1955) tại các nhà lao : Thăng Bình, Hội An vì cầm đầu cuộc biểu tình đòi Hiệp thương Thống nhất Nam-Bắc, một năm sau được trả tự do, Vũ Hạnh vào Sài Gòn, dùng ngòi bút làm phương tiện tiếp tục đấu tranh. Khi phong trào Đồng Khởi nổ ra tại Bến Tre (1960), Vũ Hạnh vào hội Nhà báo yêu nước của MTDTGPMN, rồi gia nhập Trung Tâm Văn bút (Pen Club) thuộc hội Văn bút Quốc tế (International Pen Club). Tháng 6 năm 1966, phong trào “Lực lượng Bảo vệ Văn hóa Dân tộc” được thành lập, ông được bầu làm Tổng Thơ ký. Thời gian này, nhà văn Vũ Hạnh là một trong những cây bút nòng cốt của tạp chí Tin Văn, cơ quan ngôn luận của Đặc khu ủy Sài Gòn - Gia Định với sự cộng tác của những nhà báo nhà văn nổi tiếng : Nguyễn Hiến Lê, Giản Chi, Nguyễn Ngọc Lương, Vũ Hạnh…
Trong hoàn cảnh bị kiềm kẹp đàn áp, từng bị 5 lần vào tù, trong đó có một lần bị kết án tử hình, bị giam giữ trong biệt phòng, chờ ngày đem đi thủ tiêu, nhưng nhà văn Vũ Hạnh may mắn được một anh lính bảo an cộng hòa tên Nguyễn Hữu Dư có cảm tình với cách mạng, tìm cách giúp ông trốn thoát khỏi nhà ngục. Do vậy, nhà văn Vũ Hạnh vẫn còn cơ hội được tiếp tục hoạt động: viết báo, soạn sách, sáng tác…. nhưng vẫn không bao giờ rời xa cương vị chủ yếu của một nhà văn- chiến sĩ cách mạng. Tháng 1 năm 1971, khi tạp chí Văn bút của Trung tâm Văn bút miền Nam ra đời, Vũ Hạnh nhận nhiệm vụ Chủ biên cũng không ngoài mục đích sử dụng tờ báo làm diễn đàn tiếp tục đấu tranh cho nền văn hóa dân tộc. Sau ngày thống nhất đất nước, nhà văn Vũ Hạnh được bầu làm Tổng Thơ ký hội Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, rồi Ủy viên Thường vụ Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Thành phố. Nhà văn Vũ Hạnh được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật (2007). Tác phẩm của ông bao gồm nhiều thể loại trong đó tiêu biểu là : + Truyện ngắn: Vượt thác (1963), Chất ngọc (1964), Ngôi trường đi xuống (1966), Bút máu (1971)… ; + Tiểu thuyết : Lửa rừng (1972), Cô gái Xà Niêng (1971) ; + Hồi ký : Cái Tết khó quên (1990), Một chặng đường bút mực (2000); + Tiểu luận : Người Việt cao quý (1965, ký A. Pazzi) sau đổi thành Người Việt kỳ diệu - in đến trên 5o lần- Đọc lại Truyện Kiều (1966), Tìm hiểu văn nghệ (1970)…
Chủ đề tư tưởng như một sợi chỉ đỏ xuyên thấu trong hầu hết các bài viết trên báo và tác phẩm của nhà văn Vũ Hạnh luôn hàm chứa một tình tự nồng ấm đối với đất nước quê hương và tấm lòng thiết tha được gìn giữ hồn cốt văn hóa dân tộc. Truyện ngắn xuất sắc “Bút máu” của ông mượn không khí cổ tích xa xưa, để nói lên cái sứ mệnh cao cả thiêng liêng của người cầm bút : “Lưỡi gươm tuy ác nhưng trách nhiệm rõ ràng, lỗi lầm tác hại cũng trong giới hạn. Mượn sự huyễn hoặc của văn chương mà gây ra điều thiệt hại cho con người, tội ác của kẻ cầm bút xưa nay kể xiết là bao … Xuyên tạc chân lý, che lấp bần hàn, ca ngợi quyền lực, bỏ quên con người, văn xưa nay , nếu đem phân tích biết đâu chẳng dần chất thành ngàn dãy thiên sơn”. Với “Bút máu”, nhà văn Vũ Hạnh đã tâm sự như viết “ một tuyên ngôn, trước hết với chính mình, đồng thời phản ứng lại đội ngũ bồi bút động đảo lúc bấy giờ”. Theo tác giả, người sáng tác văn học có nhiệm vụ phục vụ bạn đọc, luôn bênh vực lẽ phải chính nghĩa và phải đứng về phía quần chúng. Do vậy, nhà văn chịu trách nhiệm ý nghĩa của từng câu văn, từng đoạn văn trong sáng tác của mình giống như vai trò của một người thầy thuốc có lương tâm khi kê tên thuốc trên toa cho người bệnh. Nói rộng ra là văn chương, nghệ thuật phải phục vụ cho đời sống con người (l’Art pour la vie) như nhà văn Pháp Romain Rolland chủ trương mà không phải nghệ thuật phục vụ cho nghệ thuật (l’Art pour l’art). Truyện “Ngôi trường đi xuống” (1966), xuất xứ từ một phóng sự của ông, tác giả muốn nói lên những mặt tiêu cực, sai trái trong hệ thống các trường tư của miền Nam lúc bấy giờ, khiến cho các nhà giáo chân chính và phụ huynh phải phẩn nộ. Đến tiểu thuyết “Lửa rừng” (1972), trước có tên là Truyện nàng Y Kìa, tác giả muốn nói lên tinh thần bất khuất của đồng bào dân tộc thiểu số Tây nguyên, biết đoàn kết chống giặc ngoại xâm và đi đến thắng lợi vẻ vang. Riêng tác phẩm “Người Việt cao quý” (ký A. Pazzi, đọc trại ra như Bất Di) đã được nhà văn Vũ Hạnh viết trong vài tháng theo sự gợi ý của đồng chí Trần Bạch Đằng ở Khu ủy sau khi Mỹ rầm rộ đổ quân vào Việt Nam (1965). Tác phẩm này được dịch ra tiếng Nga và “Bút máu” được chuyển ngữ sang tiếng Anh để giới thiệu trên tờ báo Southeast Chronicle, số 70-71 tại Mỹ.
Về phê bình văn học, tập trung lại những bài viết đăng trên báo : Bách khoa, Tin Văn, Mai…như : Đọc lại Truyện Kiều, Tìm hiểu văn nghệ, nhà văn Vũ Hạnh trình bày quan điểm sáng tác đúng đắn của cách mạng, từ đó phê phán những hiện tượng sai trái, tiêu cực trong bộ phận văn học vùng tạm chiếm Sài Gòn. Nhớ lại một kỷ niệm cách nay gần năm thập niên : đầu năm 1970, trong mùa xuống đường biểu tình chống đế quốc Mỹ của sinh viên Đại học Cần Thơ, tôi tiếp tục chủ trương báo Xuân “Văn nghệ Miền Tây” (số 5) - một tạp chí văn nghệ có khuynh hướng chống thực dân đế quốc và bài trừ văn hoá ngoại lai phát hành tại Cần Thơ (4). Trong lần ra mắt báo xuân, với sự hiện diện của các nhà văn nhà báo tiến bộ Sài Gòn như : Sơn Nam, Kiên Giang, Vũ Hạnh, Mặc Tuyền, Lữ Phương… tại quán Cà phê Giọt buồn của cô giáo Mai (trong khuôn viên sân trước Xưởng Cơ Khí, đường Mạc Tử Sanh (nay là đường 30/4 - đối diện với Quân Y viện 121), chúng tôi có dịp trao đổi sách báo với nhau. Nhà văn Vũ Hạnh có ký tên, đề tặng cho tôi các tập truyện : Người Việt cao quý, Ngôi trường đi xuống, Vượt thác… Hai năm sau, khi tôi dạy Văn tại Trung học Đệ Nhị cấp Cái Răng (nay là trường PTTH Nguyễn Việt Hồng) và chủ trương tờ Đặc san Xuân “Nắng Mới” 1,2 và 3 của trường, trong ba năm liên tiếp với Chủ đề về các nhà thơ yêu nước ở Nam bộ : Phan Văn Trị, Nguyễn Đình Chiểu và Bùi Hữu Nghĩa. Thời gian này, nhà báo Mặc Tuyền thay mặt tác giả, gởi cho tôi hơn 50 quyển sách gồm có : Bút máu, Tìm hiểu văn nghệ, Lửa rừng của nhà văn Vũ Hạnh, để tôi phổ biến cho học sinh của trường và sinh viên Đại học Cần Thơ. Tôi đã mang sách về nhà ở nội ô thành phố Cần Thơ, cất kỹ sâu trong tủ áo cũ nhà sau, sau đó bán hết sách và gởi đủ tiền cho tác giả qua đường Bưu điện.
Tóm lại, trong dòng văn học miền Nam thời chống Mỹ, giai đoạn 1956-1975, nhà văn Vũ Hạnh là một hiện tượng độc đáo. Bút pháp tinh tế điêu luyện, văn phong trong sáng, giàu hình ảnh và mang tính ẩn dụ, cộng với lập trường kiên định của một nhà văn có lương tâm, Vũ Hạnh hình thành được những tác phẩm quý báu như chất ngọc tài sản vô giá của dân tộc. Nhìn lại chân dung nhà văn Vũ Hạnh, hầu hết giáo sư, nhà phê bình và các bạn văn cùng thời đều thể hiện lòng trân trọng và có ý kiến tích cực về ông. GS.TS Mai Quốc Liên đã nhận xét : “ Vũ Hạnh đi dạy học tự kiếm sống, trở thành một cây bút đặc sắc trên văn đàn nhiều phe phái, trường phái của Sài Gòn lúc bấy giờ”. GS. Trần Hữu Tá cũng nhận định sâu sắc về tác giả Bút máu : “Vũ Hạnh là một trong những cây bút nổi tiếng đã góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chống lại những âm mưu, thủ đoạn của chủ nghĩa đế quốc Mỹ trong lĩnh vực văn hóa tư tưởng” (5). Như vậy, ta có thể nói, qua cuộc đời đấu tranh không mệt mỏi cho nền văn hóa dân tộc, nhà văn Vũ Hạnh xứng đáng là một khuôn mặt văn học chân chính, một ngòi bút máu khả kính vùng tạm chiếm giữa lòng Sài Gòn.
Tháng 12. 2017
N. T
Nguyên Tổng Thơ ký Hội Văn nghệ Giải phóng TP. Cần Thơ
(1) GS tiếng Pháp nổi tiếng tại, nguyên Phó Chủ tịch MTDTGP khu Tây Nam bộ
(2) GS Âm nhạc, nhạc sĩ. Sau 1975, là Trưởng đồn Công an phường An Nghiệp, Cần Thơ
(3) Hoài Sơn Ung Ngọc Ky là GS dạy Công dân, còn có bút danh Trường Sơn Chí, nhà thơ yêu nước, có mặt trong đoàn quân của Lê Bình tiến về tập kích Cái Răng, Cần Thơ (12/1946).
(4) Tạp chí Văn nghệ Miền Tây 1,2,3 được GS. Nguyễn Bá Thảo đem vào chiến khu : 5/1968
(5) Tự điển văn học - Bộ mới, NXN Thế Giới, 2004 - Sài Gòn.