TẬP THƠ LỜI TỰ TÌNH MÙA THU - NGŨ LANG
Ngày: 15/07/2016

LỜI TỰ TÌNH MÙA THU

 

Ta đã yêu từ chớm tóc xanh,

Đêm đêm thức trắng chép thơ tình:

Đón hương góp gió muôn phương lại

Mà suốt đời ta vẫn đọc hành!

 

Mộng lẻ một mình ta với ta,

Nửa khuya tàn mộng, lệ chan hòa.

Bao giờ tìm được người tri kỷ

Như Tử Kỳ xưa gặp Bá Nha.

 

Cầm cọ pha sơn để quét sầu,

Gam buồn phủ lạnh áng tranh nâu;

Thuốc tàn, rượu cạn, cà phê hết,

Nét vẽ chưa nên, màu nhạt màu.

 

Tiếng dế râm ran trổi nhạc vườn,

Mê hồn nghệ sĩ đắm say hương;

Ôm đàn mong phổ bài ca dịu,

Cung thứ tê lòng ngập nốt thương!

 

Khai bút đề thơ mong đón xuân,

Thơ không giáng bút, chữ im vần;

Trọn câu dồn dập thang âm trắc,

Vần điệu không êm, ý chửa thông…!

 

Đời gió mưa từ thuở tóc xanh,

Chông chênh như một dấu than mành

Người thương xa vắng, ghen sao lắm.

Nên suốt đời ta mãi độc hành!

 

 

ĐỒNG QUÊ

 

Trời trong vắt, trời cao thăm thẳm,

Lúc xanh rờn, lúa tắm nắng mai;

Líu lo chim hót cành cây

Du dương chìm bổng bên tai mục đồng.

 

Ngòi nước bạc uốn vòi mạ thắm,

Lượn quanh co đến tận chân trời;

Bâng khuâng dưới áng mây trôi,

Một đàn cò trắng chơi vơi nửa lừng.

 

Câu hò đối lúc ngừng khi tiếp,

Dạ lữ hành tha thiết ngẩn ngơ;

Bên đường dừng bước đợi chờ,

Đồng quê bát ngát, hồn thơ nhộn nhàng.

 

Nơi đất mẹ, tưng bừng, rộn rịp,

Bao người dân muôn kiếp cần cù,

Phơi lưng nắng hạ mưa thu,

Cuộc đời như tấm vải thô hào hồng.

 

Cơn gió thổi, khói lồng mái rạ,

Phất phơ tà áo lá trên đê,

Của người con gái xứ quê,

Đôi chân thoăn thoắt bước về cổng thôn.

 

Rừng tre tím ôn tồn đứng lặng,

Nhạc chùa xa lê nặng không gian

Ánh hồng dìu dịu lên dần,

Nông phu vác cuốc ung dung về làng.

 

Tân Quới, 21-8-1953.

 

TRƯA HÈ

 

Lá khô rụng, gió đùa vang xào xạc,

Trên cành cây rộn rã tiếng ve rân

Như ngân nga qua những lớp phong trần,

Sau mái ngói, con thằn lằn, chắc lưỡi.

 

Bên cạnh mẹ một thằng cu rũ rượi,

Cởi áo trần, nằm dưới đất khô khan;

Rồi thả hồn trong giấc ngủ miên man,

Lông lốc bụi, con mèo đang giởn bóng.

 

Lim dim mắt, “Vện” nằm mơ lại ngóng

Khi trong nhà tiếng động khẽ vang lên;

Một vài con chim sẻ đậu bên thềm,

Mặt ngơ ngát nhìn quanh tìm thóc lúa.

 

Đàn trâu tắm rẫy bùn văng tua tủa,

Lúc lặn ngầm, khi hì hụp ngẩn lên;

Trên bờ sông, mục tử đã im lìm,

Mặt úp nón triền miên say giấc điệp.

 

Tân Quới, 15-7-1953.

 

 

DUYÊN THƠ

 

Nhà chật hẹp nhưng tâm hồn rộng mở,

Tim cô đơn nhưng yêu cả vạn loài;

Lòng sáng trong rộn rã khúc ca đời,

Ươm mạch sống trong vườn thơ họa nhạc.

 

Ôi hạnh phúc! đêm đầu tiên hợp mặt,

Ngự đông đầy trang mặc khách tao nhân;

Mái nhà thơ như bừng nở hội xuân,

Thanh sắc ngập trăm hồn vui mở cửa.

 

Mỗi tiếng hát xen giọng ngâm lần lửa,

Đưa hồn ta đến bể rộng ngàn thương;

Giọng ngâm hay là lời ngỏ yêu đương,

Tiếng hát ngọt như lời ru ân ái.

 

Cung đàn ấm khiến đời ta trẻ lại,

Men rượu nồng thêm đậm ý thơ duyên;

Không hoa đăng nhưng rực rỡ dịu huyền,

Những thi khách là thần tiên cõi tạm.

 

…Chung rượu ngọt, chén trà thơm dẫu cạn,

Mà tình thơ nghĩa bạn vẫn chưa vơi.

Phút bên nhau để nhớ mãi trọn đời,

Duyên hội ngộ hay là duyên mai trúc?

Cần thơ, 8-4-2002

 

 

NHỮNG CHUYẾN XE ĐÒ

 

Những chuyến xe đò của bốn phương

Vui buồn mang nặng bóng tha hương.

Người đi, không một ai đưa tiễn,

Kẻ đến, người mong ngập phố phường.

 

Xe vẫn vô tình như chẳng biết

Chở người đi nhớ, kẻ về thương.

Quạnh hiu với những xe không khách

Lầm lũi thân lê vạn nẻo đường.

 

Đường dài hun hút trận mưa lâu

Những chuyến xe đò chạy rất mau,

Băng băng như kẻ đang đi trốn

Bao nỗi thương đau, ngập biển sâu.

 

Thương chuyến xe chiều lướt dặm xa!

Còi đau chưa hết tiếng rên la.

Tôi, người cô lữ bên đường vắng

Trót lỡ xe đời mấy chuyến qua!

 

Xe đến rồi đi, khói mịt mù,

Bãi xe nằm đợi dưới trăng lu.

Xe tình đã đỗ bao nhiêu bến

Ghế lạnh em chờ mãi khách du!

Bạc Liêu, 11-7-1972

 

NHỮNG TRÁI TIM

Người xà ích liều lĩnh đánh xe

Trên dây đu đứng tim rạp xiếc.

     Để nhìn

             Hoa phù dung

                      Qua bong bóng xà phòng

 

Ôi dấu than gầy

Như nghe đọc văn tế

Hòa bản Nam ai!

Cần Thơ, 22-6-2003

 

VÕNG TRƯA

 

Võng trưa đọng ý nghĩ rời

Lắc lư thân thế như đời long đong

Nặng đầu hai nỗi tây đông,

Còng lưng một kiếp gánh gòng thế nhân.

Cần Thơ, 20-9-70

 

 

 

NHỮNG NGÀY

KHÔNG ĐẾN TRƯỜNG

 Tặng các em học sinh

Trường C3 TP.CT (1981-1982)

Nằm viện suốt ngày không đến trường,

Mà tôi vẫn gặp các em luôn

Với bao ánh mắt, bao trìu mến

Ẩn tấm chân tình bát ngát hương.

 

Phòng bệnh bừng lên ánh nắng mai

Khi chợt nhìn sâu đôi mắt nai,

-         Thưa thầy một chút em xin gởi…

Giọng nói dịu dàng, tôi hiểu đây.

 

Quả cam ửng đỏ căn tròn nước

Vị ngọt ngào như một nghĩa xinh,

Đôi viên thuốc nhỏ trong tờ lịch

Nở ấm lòng đau một tấm tình.

 

Vạn dây tơ luyến đầy thanh sắc,

Buộc chặt hồn tôi với trẻ thơ

Đậm như nét chữ trên nền bảng,

Giữa lớp trường vui ngập bến bờ.

Cần thơ, 12-1981

 

NÉT ĐAN BUỒN

Gởi H.Hạnh

Trời đẹp như ngàn xanh ước mơ,

Nắng lên ngoài phố tự bao giờ;

Có ai bên cửa ngồi đan áo,

Từng mũi kim là một ý thơ.

 

Trong dáng kiều kia có vẻ như

Xuân tình sớm đuổi nét vô tư;

Trao ngàn chỉ thắm cho thiên hạ,

Ai dệt cho mình một mối tơ.

 

Máy nhịp rì rầm cung điệu cũ,

Buồn giăng theo lớp lớp mưa đầu;

Mỗi dòng chỉ nhỏ thêu hoa cưới

Là vạn đường tơ dệt núi sầu…

 

Ngày lại ngày qua, cuộn chỉ vơi

Để đan lành áo ngự cho đời.

Áo lòng em dễ ai đan kín

Bất hạnh đời em lắm bụi đời!

 

Bên tách cà phê giữa quán nghèo,

Có chàng thi sĩ mặt đăm chiêu

Như thương cảm với người xa lạ

Ngồi viết bài thơ mắt tịch liêu.

Cờ Đỏ, 1970

 

MẶT TRỜI MỌC TRÊN NÚI CẤM

 

Chỉ mới một lần qua Bảy Núi,

Mà lòng nghe đã sớm quen thân;

Non sông nước Việt đâu xa lạ,

Nam – Bắc, Trường sơn nối mạch gần.

 

Tôi yêu núi Cấm màu đơn giản,

Suối nhỏ rừng thưa vắng thác đèo.

Lớp lớp cây ngàn thay sắc áo,

Mưa rừng chưa tạnh nắng trong reo.

 

Lưng đồi sương phủ mờ thôn bản,

Quán gió nằm nghe đọng bóng chiều;

Hun hút đường xa, ai gánh nặng,

Tình quê hơi đá ngút trăng treo.

 

Em có theo tôi lên dốc nắng

Mà xem hao dại nở ven đường,

Và nhìn mây trắng giăng đầu núi,

Thương nhớ Người râu tóc tợ sương.

 

Một dạo hành quân ngang qua đây,

Mùa trưa nắng gắt, quán tre gầy;

Má cho dăm trái cây ăn thảo,

Lặn lội con không khát cả ngày.

 

Ôi tuyệt làm sao vị mãng cầu,

Trái cây bản xứ ngọt thơm lâu

Như đường thốt lốt hương nồng mặn,

Như nghĩa tình dân nước dạt dào.

 

Thất Sơn ơi! Thất Sơn ơi!

Mênh mông đồi núi tiếp mây trời,

Hồn tôi buộc với miền quê đó,

Làm mái nhà chung với mọi người.

 

Mặt trời núi Cấm lên ngôi,

              Ánh dương chói lọi một trời phương đông.

Thắm tươi như sắc cờ hồng,

              Chồi xuân nhựa mới khơi dòng vươn cao.

9-1975

 

PHÔI PHA

 

Thoáng qua nửa thế kỷ rồi,

                 Soi gương một sớm ngậm ngùi lấy thân:

Tàn phai rồi, vẻ thanh xuân.

                 Đẹp như Tống Ngọc, Phan An thuở nào:

Còn đâu đài trán thanh cao,

                Tóc bồng phe phẩy đón chào gió mai.

Còn đâu môi mọng hoa cười,

                Cho tim mở ngõ ấm lời yêu đương.

Còn đâu dáng mũi thương thương,

               Mơn man đồi má vương vương nụ tình.

Còn đâu dáng dấp thư sinh,

               Mắt nai nhìn trộm tròn đêm mộng hờ.

Đan thanh nét bút tài hoa,

              Để em nắn nót tình thư đêm ngày.

Hỡi em, cô gái trang đài,

              Giờ anh còn mỗi vòng tay chung tình:

Cưng ơi, đừng hỏi quanh quanh

              Yêu em, anh chỉ cho mình em thôi.

10-07-2002

 

TÌNH THƠ

 

Thương những mối tình thơ rất thơ:

Yêu nhau bằng sớm đợi mai chờ;

Yêu nhau thằm lặng trong câm nín,

Và những chia xa với hững hờ.

Cần Thơ, 1980

 

TIẾNG CÚ ĐÊM KHUYA

 Tặng cố BS. KHOA THI

Trời thu đêm quạnh, cảnh đìu hiu,

Ảo não bên trời tiếng cú kêu.

Mươi ngọn nến hồng sao lạnh lẽo,

Mấy vành khăn trắng vẫn cô liêu.

Vợ hiền vẫn đó, anh đi vội,

Con dại còn đây, bóng ngã chiều.

Một kiếp vẫy vùng, tay phủi trắng,

“Tri Tân”, “Trường Thọ” được bao nhiêu!

Cần Thơ, 5-1999

 

 

 VIẾT

 

Đập vỡ vụn tinh cầu

Thám hiểm sâu lòng đất

Không nối gót theo đuôi

Để ngoại tình tư tưởng

1-6-2003

 

 

THỚI ĐÔNG

 

Tàn cơn sóng lúa, Thới Đông,

                   Hoa điên điển nở mười phương mai vàng

Thành Miên đồng vọng ca xang

                   Lâm Thol yểu điệu, thương nàng dù kê.

Thới Đông, 9.1971

 

 

TÌNH VỠ

Làm thay L, Văn Khoa.

Người không tưởng nhớ, không thương tiếc

Tôi vẫn cô đơn, vẫn bẽ bàng.

Mây trắng ngàn năm giăng đỉnh núi,

Hận tình, lệ vỡ chuyển sang ngang.

VK.1968

 

 

Ở VĂN KHOA

 

Anh đây em đó lô nhô,

                 Một văn phòng hẹp nòi thư đâu đầy.

Tóc dài thêm ốm dáng gầy,

                 Em lo chồng chất ngày mai tuổi chiều.

Trí hờ nhẹ cánh phiêu phiêu,

                Anh thân Hy Lạp lưng đèo xe bay.

Văn Khoa Cần Thơ, 1971

 

 

NHỮNG NGỌN ĐÈN ĐÊM

 

Đau xót thay những ngọn đèn đêm,

Bên đường, đứng lặng dưới trời im.

Hẩm hiu một kiếp dầm sương gió,

Chỉ thức khi đời ngủ giấc yên.

 

Là chứng nhân cho những cuộc tình,

Buổi đầu hẹn ước nợ ba sinh;

Hóa thân đôi bóng thành chung một,

Lần lữa ngày qua, trúc rã mành.

 

Mòn mỏi đêm dài canh giấc khuya,

Cho người gối sẽ với thân chia.

Giường son, gác tía, ai yên ấm

Riêng một mình ta khổ vạn bề.

11.7.1971

 

NỤ CƯỜI XUÂN

 

          Bình cũ rượu mới

          Hay bình mới rượu mới

 

Không có giọng tốt mà vòi vĩnh đòi ngâm thơ, hò hát

Chưa học nhạc lại hăm hở ôm đàn nắn phím, so dây

          Xin rửa tai thôi!

 

Chỉ cần thức ăn hạp khẩu

Đậm đặc sinh tố đời thường

Để châm cứu cho bệnh điên.

Cần Thơ, 25.6.2003

 

 

BÓNG ĐÈN ĐIỆN

 

Đầu tròn – hột vịt,

Đuôi tựa cuống cà;

Đêm mở mắt ra,

Cửa nhà bừng sáng.

1983

 

 

MẶT VÀ TÓC

 

Mặt, tóc – em , anh!

Tóc cao sáng mặt

Mắt càng tinh nhanh.

Mặt sạch – tóc xinh

Ai nhìn cũng thích.

1983

 

 

HOA HỌC SINH

 

Rạng rỡ tựa màu sen

Bao khuôn mặt thân quen

Ngày ngày thêm gần gũi

Ngạt ngào hoa học sinh.

 

Bạn bè vừa mới biết

Là gắn bó nhau rồi,

Mặt cười và tay siết

Lòng vui nói vạn lời.

 

Những buổi học ban đầu

Thầy trò còn ngại chuyện

Chưa quá nửa học kỳ

Đã vô cùng quyến luyến.

 

Tâm hồn em – Mầm xanh

Giữa vườn trường cao ngất

Thơm thơm hoa vở sạch,

Biêng biếc lá chuyên cần.

 

Một năm học vừa xong,

Người lái đò cao cả

Đã dìu em sang sông

Nối chặn đường văn hóa.

 

Ôi ánh mắt của em

Rực lửa trời chói lọi

Thắp sáng mãi niềm tin

Sưởi ấm lòng không mỏi.

 

Cần Thơ, hè 1985

 

VỀ THĂM LONG MỸ

 

Một chiều về thăm Long Mỹ,

Mưa mùa tám hướng giăng giăng;

Đường quê thắm màu đất ngọt

Ôm dòng kinh xáng Trà Ban.

 

Lững thững bước lần ra bến chợ

Trời quen nghe kỷ niệm vương vương.

Ông đò xưa vẫn chung tình khách,

Gõ nhịp chèo đưa chuyến quá giang.

 

Ông lái hay cười ưa gợi chuyện

Thôi đùa với những khách sang sông;

Giờ như nét mặt phong trần ấy

Có ẩn niềm đau buổi tóc tang.

 

Chợ huyện soi mình sông Cái Lớn,

Chênh vênh ngự giữa gió mây lồng,

Sau mùa tang tóc ngày năm ấy

Tường phố cày đau dấu đạn đồng.

 

Đất nước xinh tươi mới độ nào,

Sông lành đêm rợp bóng thuyền câu.

Thôn trưa văng vẳng từng giai điệu

Bài hát ca dao giọng ngọt ngào.

 

Theo lối mòn vô phương Vĩnh Viễn,

Tìm bóng người xưa cạnh giáo đường.

Nhà em, đống gạch rêu phong đó,

Hoang lạnh giáo đường bặt tiếng chuông.

 

Tiếng thập lục huyền, hương vị cổ:

Đêm đêm dìu dặt giọng thơ ngâm;

Tình quê tình nước vào xương thịt,

Theo sáu câu, hồn nhạc nước Nam.

 

Rồi một hôm nào cuồng gió loạn,

Đường quê rầm rập gót tha nhân.

Mang bao giông tố vào êm ấm,

Để máu hồng loang kín mộ phần.

 

Những thầy giáo trẻ lên đường hết,

Lớp học buồn như lạnh rét đông.

Trường quê tắt lịm âm vang trước,

Trống cũ giờ thay vỏ đạn đồng.

 

Vì quân giặc cướp vô nhân,

Ngôi nhà của mẹ bao lần lửa binh.

Chiêu hồn tử sĩ anh linh

Giúp dân ta thoát cảnh tình thương đau.

Từ Nam Quan đến Cà Mau,

Giang sơn ấy của đồng bào Việt Nam.

Gác trọ Vị Thanh, Thu 1969

 

 

CHÚ ĐỒNG HỒ

 

Tíc tắc, tíc tắc!

Tay dài chỉ phút

Tay ngắn chỉ giờ

Chú đồng hồ nhắc:

Thời gian không chờ

Tuổi xuân gắng học.

Chú nhắc! Chú nhắc!

Cần Thơ, 5-1987

 

 

TAO ĐÀN NINH KIỀU

 

 Tây Đô văn vật tiếng đồn xa:

Thị xã Ninh Kiều rộ nở hoa.

Huệ biếc, lan hồng say bướm lạ,

Thơ hay, đàn ngọt đắm hồn ta.

Vẫy tay chào, Bác khơi nguồn hứng(*)

Góp sức lo, Dân giữ nếp nhà.

Rộng mở tay mời trang mặc khách

Về đây tô điểm mái nhà thơ.

Cần Thơ, 10-10-2002

-------------------------------

* Bến Ninh Kiều (Cần Thơ) có tượng đài Bác đứng vẫy tay chào nhân dân

 

 

VỀ THĂM BA-MÍT (*)

 

Anh ơi, xuân này

Em đưa anh về Tân Thới

Nhìn lại dòng sông ngọt lịm phù sa

Để yêu thương từng ruộng lúa bờ tre

                               thắm tình máu thịt

Và cũng để không quên một mối căm thù.

 

Một chiều xưa, nơi quê hương yên ấm

Cô thôn nữ đôi mắt ngây thơ, thong thả

Buông mái dầm xuồng no trái cây tươi

Vang vọng bên sông tiếng mẹ kêu hời…

Bỗng tự trời đau, bầy chim sắt dữ

Lồng lộn tung hoành nổ trận cuồng phong

Gây cảnh tang thương, xác người chồng chất

Ghe xuồng tan nát, máu nhuộm đỏ sông:

Máu của em bé đang còn nhai vú mẹ,

-------------------------------------

 

 (*) Một địa danh ở xã Tân Thới, huyện Ô Môn – Cần Thơ. Tại Ba Mít có “Bia căm thù” ghi tội ác của giặc Mỹ, dùng phi cơ dội bom bi, giết chết 200 người tren cùng một đoạn sông vào ngày 9 tháng 8 năm 1960.

 

 

 

Xác bà mẹ già chưa ăn hết miếng trầu xanh

Của bác nông dân hiền lành,

                              chưa rít hết điếu thuốc rê,

Đôi uyên ương trên tàu đưa cưới

                              chưa kịp động phòng hoa chúc

Mà xác áo tân hôn vung vãi mặt sông buồn…

 

Nỗi hờn chất ngất còn đây

Sục sôi trên từng bãi cỏ bờ cây…

“Nước sông này ngàn năm vẫn chảy

Tội ác này mãi mãi không phai”(*)

 

Chiều Ba Mít vấn vương hồn thành phố

“Bia căm thù” cao hơn lầu Năm Góc

Đất quê này sáng mãi những mùa xuân.

 

Trong chuyến đi thực tế Ô Môn 8-2003

------------------------------

 

(*) Hai câu trong “Bia căm thù” dựng trên dòng sông Ba-Mít.

 

 

ĐẾN VỚI NHA TRANG

 

Sống gần hết cuộc đời

Biết không hơn nửa miền đất nước.

Anh từng nói với em sông hồ xuôi ngược

Mà chân chưa chạm cát Nha Trang

 

Đến với em

Thành phố biển Nha Trang

Lấp lánh bãi cát vàng

Mênh mông vờn nước biếc

Rừng núi sớm chiều mờ mịt sương giăng

Trùng trùng con sóng biển gọi thức ngày đêm

Bọt trắng không vơi thủ thỉ ân tình.

 

Đến với em

Thành phố biển Nha Trang

Để hội ngộ Hòn Hèo, Hang Tiên

Du khách bốn phương về đây như trẫy hội

Em sẽ đưa anh về thăm Hòn Thị

Nhìn những chú đà điểu Châu Phi ngây thơ

 

 

 

Cùng hươu nai của núi rừng nguyên thủy

Em cũng đưa anh tham quan đảo Khỉ,

Đến Hòn Lao niếm vị ngọt thức ăn nồng…

Viếng Tháp Bà (*) kính kẩn một tuần hương

Để làm quen với nền văn minh Chăm thuở trước…

 

Em hát anh nghe bài ca không dứt

Hồn Cửu Long vương vấn mãi Nha Thành!

Trại sáng tác Nha Trang 8-10-2003

----------------------------

(*) Tháp Ponagar 1.700 tuổi, thờ Thiên Y Thánh Mẫu (Thienana) nằm trên một ngọn đồi cạnh đường 2/4 gần chợ Đồng Đế - Khánh Hòa.

 

 

NHẬT KÝ VÒNG CUNG

 

Có một thời

Tôi chỉ biết Lộ Vòng Cung:

Hướng vùng trời hỏa châu cháy đỏ

Ngày đêm,

Qua tiếng đạn réo xé tai,

Và bom rền như địa chấn.

Hôm nay,

Rực sáng giữa tim tôi

Vòng đai lửa năm xưa

Bằng cung đàn tiếng hát.

Về thăm Trường Lạc

Chào anh Tư Còn (*)

Chàng dũng sĩ vườn Cả Thôn

Gan góc giết ba tên tay sai bằng búa.

Ngại gì mười bảy năm bị giam cầm

Nơi Côn Nôn hỏa ngục.

Tra tấn lưu đày – Tên anh bất tử

---------------------------

(*) Phạm Văn Còn, người chiến sĩ dũng cảm ở Trường Lạc – Ô Môn, chỉ huy anh em du kích giết bọn lính tay sai của giặc Pháp bằng búa. (1951)  

 

Ghé nhà anh Chín Quang(*)

Nghe chuyện rạch Trà Luộc,

Để nhớ một trời đau thương

Khi nhân dân ta đào kênh Giải Phóng

 Để vận tải lương thực nuôi quân

Không ngại kẻ thù đặt lọp,

Không sợ bị mổ bụng, hai trăm dân quân

Dũng cảm đào cuốc ngày đêm.

Chỉ một tuần qua mở xong con kênh lịch sử…

Muôn năm lưới trời rộng mở

Tên tổng Song khát máu đền tội tại Rạch Tra.

 

Chiều qua Tân Thới, thăm Mười Tỉnh

Anh cán bộ sát cánh cùng người bạn đời.

Kiên cường bám trụ giữ làng

Hết lòng đùm bọc anh em, sắc son với Đảng

Lấy đất làm gối, rơm cỏ làm mền

Chịu ăn khổ từng vóc cơm ẩm nước hòa chan bùn đất…

Bên bờ sông Ba Mít

Sừng sững Bia Căm Thù

Vững hơn tòa Bạch Ốc

Tội ác ấy nghìn thu.

 

-------------------------------

(*) Ngô Văn Quang, ấp đội phó, Trưởng đoàn Thông tin thời đào kênh Giải Phóng (1961) tại Trà Luộc – Ô Môn.

 

 

Tân Thới, đêm liên hoan

Vui lời ca tiếng nhạc,

Say men rượu nghĩa tình

Hồn thơ thêm dào dạt.

 

Đến Định Môn, nghe nhắc trận Lung Đưa

Xúc động ngập tràn về tấm gương

Chín Nhung, Tám Nguyệt:

Đồng sức đồng lòng, cùng bao đồng chí

Chiến đấu kiên trung,

Khi đoạt súng giặc liên hồi, tùy cơ ứng biến

Lấy đồn giặc bằng tay không,

Chẳng ngại gian khổ hy sinh…

 

Bao bà má từng ghi công trọng đại,

Bị khảo tra hơn nhục hình Trung cổ:

Châm điện, đổ nước trói cánh gà treo ngược.

Thân thể mẹ như quả chuối chín nhừ

Dạ không sờn vì lý tưởng ngự trong tim

Trong đêm đen tù ngục,

Kiên nhẫn dằn lòng, mẹ đợi mặt trời lên!

 Chuyến đi thực tế Vòng Cung 8.2003

 

 MỘT MỐI TÌNH CHUNG

 

Anh yêu Cần Thơ như yêu em,

Đất này là đất của niềm tin

Tầm vàng mọng kén, xe tơ thắm

Cá bạc ngời sông, nhảy điệu tình

Nghĩa nước mênh mông giăng mạ biếc

Hồn quê bát ngát dải cây xanh.

Chìa vôi lảnh lót ca trời hạ

Nối những mùa vui nhạc thái bình

4.2003

 

QUÊ HƯƠNG

 

 Sông nào chẳng quyện phù sa,

                  Ở đâu chẳng nước non nhà Việt Nam.

Chiều chiều nghe tiếng đỗ quyên,

                 Thương cho non nước ba miền binh đao.

Đẹp là đẹp nét trinh xưa,

                 Xinh là xinh vẻ nắng mưa dải dầu.

Thà em cam phận gái vườn,

                Chân bùn tay lấm nắng sương phận nghèo.

Không làm mặt phấn má đào,

                Phụ nòi quên giống ra vào hôi tanh.

Thới Lai ố Cờ Đỏ 1970

 

MÙA XUÂN MAI TRẮNG

 Nhớ em Đặng Thị Bé, cô học trò ngoan.

 Tổ cũ xuân về chim vắng,

Hoàng hoa nhạt nét gương tươi;

Cái Nai mây trời trĩu nặng,

Đường quê kết cỏ thương người.

 

Ngõ hẹp phai rồi sắc hạnh,

Sương buồn vương bóng huyên côi,

Hoang tàn vườn xưa nắng ám,

Tranh rừng man dại lên ngôi.

 

Tóc dừa từ vắng bàn tay chải,

Sông rộng nhớ hoài một khách qua;

Đò sớm tương tư hương sách vở,

Sênh chèo thôi nhịp khúc hoan ca.

 

Trường văn tắt lịm ngôi sao bé,

Bếp lạnh, bình khô, bụi phủ ly;

Mai trắng mùa xuân sầu phấn bảng,

Một linh hồn nhỏ vội bay đi.

Gác cũ, xuân Qúy Sửu 1973

---------------------------------

(*) Bé, lớp II CR, học giỏi, ngoan đã tự vẫn vì lý do gia đình vào cuối năm 1972

 

 

CHÂN DUNG

 

Hiệp sĩ ngày xưa phi ngựa

Bây giờ phóng cúp như bay

Mặt nạ ngủ yên trong túi

Hóa thân thành chiếc khăn tay

 

Tám hướng lên màu cổ tích

Khói mây xe, thuốc ngập đường

Mịt mờ ngày đêm không dứt

Phố phường hư ảo bụi sương

 

Chớ nói là anh cô độc,

Cũng đừng than thở sầu bi.

Tình yêu nở như vi tính

Có em ka-ra-ô-kê!

 

Sân bay ở đâu thành phố

Mà anh đội mũ phi hành?

Ái tình, chao ôi! Cách trở,

Dễ gì em được nụ hôn!

10-2002

 

 

TÔI NHÌN EM – NHÌN TÔI

 

Chủ nhật thênh thang

Ngày lễ mênh mông

Thoát khỏi gia đình vỏ óc tối tăm

Từ trường học được học trò giải phóng

Một mình thả trôi ra phố vắng

Nhìn dòng sông lăn tăn sóng bủa

Thấy mình muôn trùng bé nhỏ

Dị ứng trước những cặp tình nhân

Mặn mà sánh đôi

Trên những con đường thiên thai thoát tục

Tự thấy mình sa mạc độc hành

Chợt thoáng nhìn em ngây thơ trái cấm

Khi hóa thân thành vật bù nhìn

Vô duyên ngờ nghệch

Không ly thân mặc cảm triền miên.

5.1.2004

 

DẤU HỎI

 

Không gian hành hương

Tĩnh lặng

Em – Tôi, hai người xa lạ

Nghĩ gì?

Khi ánh mắt nhìn

Bất chợt giao thoa.

2-1-2004

 

 

NỮ TƯỚNG RỪNG DỪA

 Kính dâng anh hùng NGUYỄN THỊ ĐỊNH

 Đất nước tôi tự nghìn năm

Ai cũng là chiến sĩ

Khi Tổ quốc cần, em nhỏ biết cầm gươm

Thánh Gióng ngày xưa quét sạch lũ giặc Ân

Chị Ba Định xứ Giồng Trôm từng nêu gương anh hùng vạn thuở.

Khi tôi vào trường học đuổi quân giặc dốt

Gieo chữ ươm vườn thế hệ mầm non

Chị Ba dũng cảm ra chiến trường ngăn bọn xâm lăng:

Khí thế bão táp Triệu Trưng

Giương cờ đào rực rỡ, Chị lãnh đạo đoàn

                 hùng binh “tóc dài” “đồng khởi”.

Hàng hàng lớp lớp, không ngại hy sinh

Chiến đấu kiên trung, chịu nhục hình tù tội,

Ba lần cùng đồng đội nếm mật nằm gai…

Trang sử máu rạng rỡ nét tên vàng chói lọi.

 

Đức tài chị sáng mãi không phai,

Như ngọn đuốc hồng soi đường thế kỷ hai mươi

Nên trời Hàm Luông xóa tan mây mù u tối

Dòng Ba Lai thắm lại sắc phù sa.

Xuân Giáp Thân

 

DƯ ÂM MÙA VÀNG

 

Thăng hoa còn đọng mùa Sea Games

Một trăm năm tám áng mai vàng

Kết tinh từ vạn tim nồng cháy

Thương những tim hồng máu Việt Nam.

 

Thấp thỏm hồn xa vọng Mỹ Đình

Đấu trường rung động chín tầng xanh

Với tai nghe lắng theo giây thở

Với mắt trong vời đứng nhịp tim

 

Việt Nam vô địch, vô địch Việt Nam

Dập dồn từng chập tiếng hô vang

Thể hình Lý Đức như pho tượng

Cuồn cuộn tươi vòng bắp thịt căng

 

Đường banh thần tóc anh Văn Quyến

Phát súng Mạnh Cường cắm trúng tâm…

Bài ca chiến thắng âm vang mãi

Giai điệu oai hùng vọng tứ phương.

Xuân GiápThân

 

 NỖI NIỀM DỐC LẾT

 

Đảo không dốc

Sao em tên Dốc Lết(*)

Triền cát dài thoai thoải, nằm yên

Hiền lành

Soi bóng liễu dương xanh

Ngày đêm

Lặng lẽ đứng nghiêm mình

Son sắc thủy chung như người canh biển.

 

---------------------------

(*) Dốc Lết: tên một đảo đẹp, hiền lành, cách TP Nha Trang chừng 50 km về hướng Bắc.

 

Cho chúng mình sánh bước bên nhau

Hẹn hò tình tự

Quên màu mưa chiều giăng phủ quán cô đơn

Mặc bát ngát biển khơi xa, thả nghìn trùng con sóng biển

Tăm tắp bãi quen, mõ sò gõ nhịp

Xe cát dã tràng triều lũ dữ cuốn trôi đi

Mênh mông

Anh bâng khuâng hồn nặng nghĩ suy

Khúc hội ngộ mong chẳng là cung ly biệt.

 Nhà sáng tác Nha Trang 10.2003

 

 

 

CẢM NHẬN VỀ

BÀI THƠ LY BIỆT

 

                                                                     “Anh ở, em về, ai nhớ ai

                                                                      Chắc là thương nhớ cả về hai?!”

                                                                                      Ái Nhân

Tiễn đưa, ly biệt là những sự cố thường gặp vượt phạm trù không gian và thời gian trong đời người. Chủ thể chính của tấn kịch đời mang ít nhiều tính bi tráng này là người đi và kẻ ở mà việc tiễn đưa được diễn ra trong bối cảnh tương hợp.

Có người ra đi để đoạn tuyệt với quá khứ buồn đau hay thoát ly thực tại không đáp ứng được hoài mong tìm về cảnh bình minh tươi sáng.

 

Anh đi đường anh, tôi đường tôi,

Tình nghĩa đôi ta, chỉ thế thôi.

…………………………………

Bận lòng chi nữa lúc chia phôi.

Thế Lữ

Đôi khi, đối lập với trạng huống tình cảm trên thì ‘‘Đi là chết ở trong lòng một ít’’(1) trường hợp này có mất mát ở tình cảm người trong cuộc.

Cảnh ly biệt xưa nay hay diễn ra nơi môi trường bao la hùng vĩ hoặc bên đầu sóng ngọn gió để được phù hợp với cái tình cảm mênh mông, cái chí khí sục sôi bốc lửa của các nhân vật. Thái tử Đan, nước Yên ngày xưa tiễn đưa Kinh Kha bên bờ sông Dịch, hùng khí bốc dựng tóc chàng tráng sĩ trước cảnh trời rộng sông dài như nói lên một ý chí mãnh liệt, quyết tâm tiêu diệt Thủy Hoàng bạo chúa:

 

Thử địa biệt Yên Đan,

Tráng sĩ phát xung quan

Tích thời nhân dĩ một,

Kim nhật thủy do hàn.

Lạc Tân Vương

(Dịch thủy tống biệt)

Dịch thơ:

Giã từ Yên thái tử,

Tóc hùng chạm mũ ai.

Người thời xưa đã khuất,

Nước còn lạnh hôm nay.

(Trần Trọng San)

 

Nhìn chung, cảnh ly bôi muôn đời vẫn là hình ảnh của những giọt lệ đau buồn, của nổi lòng nát tan vụng vỡ với âm vang ảo não thê lương của những cung nhạc sầu tê tái:

 

‘‘Giờ phút chia ly đã điểm rồi,

Nghẹn ngào lặng nuốt lệ thầm rơi.

Mang mang nửa cõi lòng tan tác,

Ly biệt xui chi tủi trọn đời’’(2)

NT dịch thơ

 

Nhưng có lẻ đau khổ bi thương nhất là cuộc chia tay giữa hai người bạn tù khác phái diễn ra trong nhà ngục đế quốc, một người được trả tự do để trở về thế giới rộng rãi bên ngoài và một còn bị giam cầm nơi lao lý nặng nề hắc ám. Bi kịch này diễn ra trong bài thơ ‘‘Người em gái ra tù’’ của Ái Nhân.

Bài thơ viết theo lối thơ mới bảy chữ với âm hưởng thơ Đường, gồm năm khổ trong đó khổ thứ ba chỉ gồm hai câu là trường hợp ít thấy ở thể loại thơ này.

Mở đầu bài thơ là lời của người sắp giã từ, một câu hỏi bâng khuâng ghi trên mảnh giấy cùng với chiếc mền trao gởi cho người còn ở lại.

 

‘‘Anh ở em về, ai nhớ ai?!’’

 

Câu hỏi mà cũng là câu trả lời tự trong lòng mình đang nổi lên mưa bão, không đợi lời đáp của người đồng chí còn bị kẹt.

 

Chắc là thương nhớ cả về hai?’’

 

Vừa giản dị trong sáng, vừa chân thành cảm động, phần nhạc dạo của ly khúc hé mở cho người đọc thấy trước tính cách hiền hòa, trung hậu của đôi bạn chiến đấu cùng lý tưởng cũng như văn phong tự nhiên không đẽo gọt của Ái Nhân. Hai câu cuối của khổ một diễn tả tâm trạng chung của hai người bằng tất cả nổi bịn rịn: ‘‘Bước đi một bước, dây dây lại dừng’’ (Đoàn Thị Điểm):

 

Em ra đến cổng quay quay lại,

Anh ở trong song dõi dõi hoài.

 

Lưu luyến, bịn rịn mà không bi lụy sướt mướt như thái độ nhi nữ thường tình: ‘‘Cầm tay, anh khẽ nói – Khóc lóc mà làm chi – Hôn nhau một lần cuối – Em về đi, anh đi’’ (Nguyễn Bính). Ở đây thể hiện tính đôn hậu, kín đáo đáng quý của người phụ nữ Việt Nam, nhờ tác giả khéo dùng cách đối song quan kết hợp với từ điệp:

‘‘quay quay, dõi dõi’’ rất có duyên.

Bối cảnh ở phần mở đầu bài thơ chỉ đóng khung trong mấy chi tiết tiêu biểu cho thế giới u tối của nhà tù như: cổng, song, cửa sắt…vốn quá quen thuộc và nhàm chán đối với ‘‘thân chủ’’ của nhà lao. Có lẽ Ái Nhân đã có lý khi không nhắc đến thời gian lúc chia tay vì ở đây ý niệm về thời gian sáng tối ngày đêm đâu được biết tới ngoài lớp màn đen bao quanh bởi không khí nặng nề ngột ngạt của ‘‘địa ngục trần gian’’ này.

Đau khổ, dùng dằng rồi cũng phải chia xa. Nhưng người anh còn ở lại vẫn mường tượng dáng hình người em gái dù cánh cửa sắt nhà giam đã lạnh lùng khép kín. Tâm trạng và thái độ của hai người trở nên giằng co, mâu thuẫn nhau một cách đáng thương:

 

Cửa sắt đóng rồi em khuất dạng,

Mà anh cảm thấy bước chân em:

Chân bước ngập ngừng, chân bước vội,

Nửa mừng rồi lại nửa bâng khuâng.

Bước vội để mau về gặp mẹ,

Ngập ngừng vì tiếc phải xa anh.

 

Lời thơ giản dị, tự nhiên như độc thoại nội tâm một cách thành thật hiền lành, giọng thơ không kiểu cách, đẽo gọt giống như lời thủ thỉ tâm tình dàn trải từ khổ thứ ba cho đến hết bài.

Bởi vì chỉ còn lại một mình nhà thơ đang ‘‘rót dòng cảm xúc’’ nên không còn nghĩ đến việc nắn nót rừng từ ngữ, chắt lọc từng câu thơ, trau chuốt từng vần thơ…nhiều khi đi đến chỗ gượng ép về nghệ thuật như vài người đã làm.

Nhờ vậy, ta cảm nhận một cách trong sáng tình cảm và ước mơ của Ái Nhân trong phần nửa sau bài thơ. Đó là sự nồng nã đi tìm lại người em gái và người mẹ của em mà tin tức đã ‘‘biền biệt’’ từ lâu:

 

‘‘Một đóng tro tàn, trơ trước mắt,

Em và Mẹ hỡi: biết tìm đâu?!

Từ ấy đến giờ tin biền biệt,

Bóng chim tăm cá mãi lòng đau’’.

 

Nhưng biết đâu tìm người xưa! Nỗi xót xa thương nhớ của Ái Nhân cũng mênh mông không kém niềm tái tê đau khổ của Kim Trọng khi trở lại vườn Thúy tìm không gặp nàng Thúy Kiều hay chàng thi sĩ Thôi Hộ không tái ngộ được với cố nhân:

 

Nhân diện bất tri hà xứ khứ,

Đào hoa y cựu tiếu đông phong.

(Đề tích sở kiến xứ)

 

Trước sau nào thấy bóng người,

Hoa đào năm trước còn cười gió đông.

Nguyễn Du

 

Non sông gấm vóc đã thuộc về ta sau khi hòa bình tái lập, ước mơ chính đáng của mọi người là được sum họp vui vầy với người thân sau bao năm xa cách khổ đau vì khói lửa. Và chàng thi sĩ Ái Nhân cũng ôm ấp từ lâu không ngoài ước vọng đó. Nhưng chao ôi, ‘‘bóng chim tăm cá’’, khiến tác giả đành phải nhờ phương tiện truyền thông để lên tiếng tìm liên lạc với người xưa.

 

Từ ấy đến giờ tin biền biệt

Bóng chim, tăm cá mãi lòng đau…

Thơ này anh gửi nhờ cánh sóng

Em có nghe… mà tìm thấy nhau?!!

 

Cảm ơn Ái Nhân đã cho chúng ta bài thơ cảm động về một nỗi niềm ly biệt nhưng ta cũng mong sao tình cảnh của tác giả không chỉ dừng lại chỗ bài thơ kết thúc, nghĩa là ‘‘chia ly’’ mà không ‘‘biền biệt’’.

Tóm lại, có thể nói rằng ‘‘Người em gái ra tù’’ của Ái Nhân là một bài thơ đẹp và xinh xắn, nó duyên dáng như một đóa dạ lan nở trong đêm đen ngục tù Mỹ ngụy và nó cũng sẽ còn rực rỡ như bông sen vàng(3) cao quí trong vườn hoa thơ miệt vườn.

Xin chúc nhà thơ hiền lành(4), dễ thương của đất Trà Mơn luôn dạt dào sinh lực và bút lực, sống dày hơn thập kỷ nữa, vượt khỏi ranh giới ‘‘bách niên giai lão’’ để tặng thêm cho ‘‘tín đồ thơ ca giáo’’ những vần thơ hay và tiếp tục ngâm nga, xướng họa với anh em mặc khách tao nhân.

 

Đất Vĩnh, cuối hè Nhâm Ngọ 2002

                                                                       Ngũ Lang

 

(1)                       Thơ Pháp: ‘‘Partir, c’est mourir un peu dans son coeur’’

(2)                       Thơ Anh: ‘‘When we two parted,

                         In silence and tears

                         Half – broken – hearted

                         To sever for years’’

                                                           Lord Byron

Trích trong ‘‘Lyrical and love verses’’ by Nguyễn Thanh

Sen vàng: kim liên, còn chỉ người em gái tù của tác giả.

          (3) Ái Nhân còn có tên Nguyễn Lương, được các đồng chí thời kháng chiến gọi là Thần Hòa bình (Theo Hà Thanh Trúc).    

 

Vườn văn
diemthi1965@gmail.com