NSND Ngọc Giàu là một trong những nghệ sĩ ngôi sao của sân khấu Nam bộ từ những năm đầu của thập niên 1960. Bên cạnh 50 vở kịch có mặt, tính ra NSND Ngọc Giàu đã đóng vai chính trong hơn 15 vở cải lương, thu dĩa hơn 15 bài và tham gia khoảng 6 phim, tổng cộng chừngg 100 vai then chốt trong tác phẩm sân khấu trình diễn. Ngoài việc đứng lớp giảng dạy tại nhà hát Trần Hữu Trang, nghệ sĩ đã đạt thành tựu rực rỡ với : 2 giải Thanh Tâm (1960 và 1967), Nghệ sĩ Ưu tú (1979), 2 giải Mai Vàng (1995 và 1996) và được phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân (2011).
Ngọc Giàu (sinh năm 1945) tên thật là Phong Thị Ngọc Giàu xuất thân là con út trong một gia đình lao động đông con rất khiêm tốn về kinh tế ở Thủ Thiêm, TP. Hồ Chí Minh. Dù thuộc dòng dõi quý phi Lê Ngọc Bình, cô bé Ngọc Giàu đã trải qua tuổi thơ cực kỳ gian khổ. Do vậy, ba mẹ đặt tên cho Ngọc Giàu với một ước mơ được thoát qua khỏi được cảnh nghèo khó. Nuôi ước vọng vươn lên khỏi hoàn cảnh đời thường, quyết tâm theo nghề ca hát sau này, ngày ngày Ngọc Giàu phải đi bộ hơn ba ây số để xin học chữ tại một nhà thờ. Sau này, khi đã nổi tiếng, Ngọc Giàu kể lại: “Nhiều khi tôi gục giữa đường, phải ăn tạm nắm cơm còn thừa của bạn vì đói. Ngất lên ngã xuống nhưng tôi không nản lòng vì phải biết chữ mới ca được”. Vì sớm mê ca hát từ lúc còn bé, khi rảnh rỗi, Ngọc Giàu thường nghe hát ở đài phát thanh rồi tập ca lại. Ngọc Giàu chính thức bước vào nghệ thuật lúc chỉ mới 10 tuổi với lời tự nguyện : “Không nổi tiếng thì khỏi về thăm ba má”.
Trước tiên, cô bé xin được vào gánh hát Kim Phụng, mới đầu chỉ học múa ươm tơ, múa cấy lúa rồi sau đó được làm tỳ nữ trên sân khấu cải lương. Với giọng hát trong trẻo thiên phú, tính nhanh nhẹn, chịu khó, tuồng hát nào, cô bé Ngọc Giàu cũng được góp mặt ban đầu ở một vai diễn xuất hiện ít trên sân khấu. Một thời gian sau, Ngọc Giàu cùng anh ruột được giới thiệu vào đoàn Sơn Đông mại võ. Được một năm, khi đã 12 tuổi, Ngọc Giàu vào gánh hát Mai Lan Phương - Ngọc Chiếu làm tỳ nữ hoặc ngâm thơ ở hậu trường. Khi về đoàn hát của cậu Năm người viết bài này là đoàn Ngọc Kiều của cặp nghệ sĩ Hoàng Kinh - Ngọc Đáng thì cô bé vừa tròn 13 tuổi, Ngọc Giàu bắt đầu đóng vai đào nhì, rồi sau đó không lâu lên đào chính. Khi đoàn diễn vở Đôi mắt giai nhân tại Quảng Ngãi, Ngọc Giàu lọt vào đôi mắt xanh của bà bầu Kim Chưởng, nên được mời về tham gia vào đoàn hát được mệnh danh là “Đệ nhất anh hùng lưu diễn” nữ nghệ sĩ tiền phong chuyên hát tuồng kiếm hiệp nổi tiếng này. Hơn một năm theo cùng đoàn lưu diễn khắp miền Trung về miền Tây, đến Sài Gòn (năm 1958), Ngọc Giàu được chủ rạp Hưng Đạo mời tham gia vai đào chính trong vở Hai cánh én đầu xuân, đóng cặp cùng nghệ sĩ tài danh Minh Chí. Sau lần diễn chung với ông Vua Xàng Xê đó, Ngọc Giàu được Minh Chí giới thiệu với các hãng dĩa ở Sài Gòn. Chủ hãng đĩa lớn Châu Á tại Sài Gòn, sau khi nghe cô bé 14 tuổi ngâm thơ và hát thử, đã mời Ngọc Giàu ký hợp đồng dài hạn. Rồi khi Ngọc Giàu ca bản vọng cổ “Áo tình đắp mộ người yêu” do soạn giả Viễn Châu viết riêng cho cô, cả khán giả miền Nam lúc ấy cùng rưng rức khóc theo tiếng hát của nghệ sĩ Ngọc Giàu. Tiếng thơm ngày một bay xa, hai năm sau, cặp soạn giả nổi tiếng Hà Triều-Hoa Phượng ở đoàn Thanh Minh- Thanh Nga mời Ngọc Giàu về đoàn với hợp đồng trị giá 50 nghìn đồng (lúc bấy giờ giá một lượng vàng là một nghìn rưởi). Từ đó, tên tuổi Ngọc Giàu ngày càng được khán giả khắp tỉnh thành, thôn bản miền Nam yêu thích. Năm 1960, với vai Điêu Thuyền, mới 15 tuổi, Ngọc Giàu đoạt giải thưởng Thanh Tâm cho vai đào trẻ. Bảy năm sau (1967), qua vai người đàn bà điên trong vở hát Vườn hạnh sau chùa, nghệ sĩ Ngọc Giàu tiếp tục nhận giải Thanh Tâm Xuất sắc, một giải thưởng danh giá do ký giả Trần Tấn Quốc sáng lập cùng với trước đó là các nghệ sĩ Bạch Tuyết (1965) và Thanh Nga (1966). Nghĩ lại, xét ra Ngọc Giàu có nét đáng khen, khá thú vị tương đồng với NSND Phùng Há ở sự đa dạng ở vai diễn. Ngọc Giàu không chỉ đơn điệu đóng ở vai đào thương, đào mùi mà còn sắm được cả các vai đào lẳng, bà già, giả trai, em bé,… Ở vị trí nào, Ngọc Giàu cũng đóng nhập vai một cách xuất sắc. Sở hữu bẩm sinh được thinh sắc lưỡng toàn cộng với ý chí sắt đá, lòng yêu nghề và một nhân cách đáng quý, Ngọc Giàu bắt đầu nổi tiếng dần từ sàn diễn cải lương sau đó lấn dần sang hài kịch rồi điện ảnh, truyền hình, thu thanh vào dĩa hát. Ở môi trường nghệ thuật nào, Ngọc Giàu cũng đạt được những thành tựu đỉnh cao. Cái hay ở Ngọc Giàu đã lôi cuốn được đa phần khán giả sân khấu là tiếng hát của nghệ sĩ rõ ràng với cách phát âm đầy nội lực khá gần gũi với NSƯT Phượng Liên và Diệu Hiền.
Người ta nhớ lại những vai diễn đã tạo thành dấu ấn không phai kèm theo vài kỷ niệm vui vui trong cuộc đời của NSND Ngọc Giàu qua các vở hát : Roméo và Juliette, Ỷ thiên Đồ long ký, …Ở vở hát “Ỷ thiên Đồ long ký”, trong vai Triệu Minh, chính Ngọc Giàu là nữ nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên cảm nhận được tâm trạng của diễn viên biểu diễn cảnh bay bằng công nghệ ròng rọc trên sân khấu: “Cứ hai ông nhảy xuống thì tôi bay lên”. Thuở ấy, có cơ hội đóng chung tuồng với Hùng Cường, một ca sĩ tân nhạc điển trai mới chuyển sang cải lương, nổi tiếng hào hoa nhưng cũng vướng lắm nghi án cùng nhiều nữ nghệ sĩ trong số đó có Ngọc Giàu. Trong vở Roméo và Juliette, dù chưa thật sự trưởng thành về nghề nghiệp, Ngọc Giàu cũng đã diễn mùi mẫn tình tứ bên cạnh Hùng Cường. NSND Ngọc Giàu nhắc lại: “ Tôi đóng Juliette khi còn chưa có vòng. Khi tập tuồng, ông Hùng Cường hứa mua cho tôi cái xú cheng, đôi giày và dầu thơm vì tôi dạy ổng ca cải lương”. Hiểu được chuyện đó, anh Hai của Ngọc Giàu xông đến định cho Hùng Cường ăn đòn nhưng chàng ca sĩ đào hoa hát nổi tiếng bản nhạc “Ông lái đò” của Hiếu Nghĩa, vẫn giữ được sự bình tĩnh để trần tình, ra vẻ thân thiện : “Mày không lo được cho em mày thì tao lo cho nó”. Dù sớm thành công trong lĩnh vực sân khấu, nghệ sĩ Ngọc Giàu vẫn có cuộc sống tình cảm gia đình không được mấy suôn sẻ toại nguyện. Mười bảy tuổi, dù chưa biết nghĩ đến chuyện lứa đôi, Ngọc Giàu đã phải vâng lời cha mẹ lấy chồng tuổi cao chưa từng quen biết. Không những Ngọc Giàu chẳng được chồng già cưng chìu trong suốt gần hai mươi năm chung sống và đứa con gái duy nhất tên Hân cũng sớm qua đời lúc mới chỉ học lớp 7. Sau khi chia tay ông xã từ ‘ trên trời rơi xuống’, Ngọc Giàu vẫn được nhiều người đàn ông có vai vế trong xã hội, trong đó có bác sĩ, kỹ sư săn đón theo đuổi. Rồi Ngọc Giàu cũng có lại tổ ấm gia đình thực sự với người chồng đất Bắc đã mãi miết theo đuổi tại nghĩa địa, khi nghệ sĩ đến thăm mộ đứa con gái yêu sớm khuất. Dẫu cho mối tình chân muộn màng nửa sau cuộc đời có viên mãn hạnh phúc, tình yêu đôi lứa đầu đời thời thanh xuân hoa mộng của nghệ sĩ Ngọc Giàu vẫn như một cung đàn lạc phiếm. Viết về NSND Ngọc Giàu, tôi bỗng nhớ đến câu thơ của thi sĩ Pháp Corneille : Sự đau khổ càng lớn, cuộc sống càng cao thượng (Plus la douleur est grande, plus il est grand de vivre - Le Cid).
Sau ngày thống nhất đất nước, nghệ sĩ Ngọc Giàu được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú (1979) khi mới 34 tuổi. Năm 2003, Ngọc Giàu đoạt giải thưởng Diễn viên được yêu thích nhất trong Gala cười. Những bạn diễn nổi tiếng của Ngọc Giàu đều là những nghệ sĩ hàng đầu trong nền nghệ thuật sân khấu nước nhà : Út Trà Ôn, Thanh Nga, Lệ Thủy, Thanh Sang, Bạch Tuyết, Út Bạch Lan, Minh Vương, Minh Cảnh, Thanh Nam,…
Trong hơn năm thập niên Ngọc Giàu như kiếp con tằm: khi rút tơ đem tiếng hát cao vút bay xa, bay sâu vào lòng khán giả mộ điệu sân khấu bốn phương, khi tận tụy nghiêm trang làm thầy đứng lớp bồi dưỡng nghệ thuật cho thế hệ mai sau. Với những cống hiến to lớn và đa dạng, cùng tinh thần gắn kết thủy chung với nền sân khấu nghệ thuật dân tộc và quê hương máu thịt, Ngọc Giàu thật xứng đáng được nhà nước phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân (2011).
12. 10. 2019
T. N