BÀI CA VUA TÀI TỬ - CẢI LƯƠNG - TƯƠNG NHƯ
Ngày: 20/11/2016

Trong lịch sử ca nhạc sân khấu Nam bộ, sự xuất hiện của bản Vọng cổ trong dòng nhạc Cải lương thực sự đã đem lại một luồng sinh khí mới có thể coi là một cuộc cách mạng lớn trong nghệ thuật đờn ca tài tử, làm thay đổi bộ mặt âm nhạc truyền thống dân tộc. Khán giả mê ánh đèn màu lấp lánh trước cánh màn nhung, trong hai thập niên 50 và 60 của thế kỷ trước vốn được coi là thời đại hoàng kim của cải lương, chắc hẵn sẽ không bao giờ quên được không khí hoạt động vô cùng sôi nổi của các gánh hát và giới nghệ sĩ cải lương lúc bấy giờ. Trong những đêm hát ở rạp Nguyễn Văn Hảo, đường Trần Hưng Đạo, cứ mỗi lần trên sân khấu, những danh ca như: Út Trà Ôn (1919-2001), Minh Cảnh (sinh năm 1938), Thanh Nga (1942-1978), Phượng Liên (sinh 1947)… sau khi hò, hát điệu lý, nói lối vài câu hoặc hát một bản ngắn như: Thủ phong nguyệt, Kiều nương hay Hoài tình…rồi dứt tiếng … ngọt ngào, muồi mẫn ở cuối câu, mở đầu bản vọng cổ, nghe rất đã tai, là cả một rừng pháo tay của khán giả nổ dòn dã, dậy cả hí trường. Và tiếp ngay sau đó là những tờ giấy bạc của người mộ điệu hào phóng, đua nhau được tới tắp bay lên sân khấu, để tặng thưởng cho nghệ sĩ vừa bắt đầu bài ca vua, không khác gì đàn bướm lượn. Sức hấp dẫn và lôi cuốn đến độ cuồng nhiệt của bản vọng cổ mà tiền thân là bài Dạ cổ hoài lang, của Cao Văn Lầu, thật vô cùng ấn tượng.

               Nghệ sĩ Cao Văn Lầu (1892-1976), còn gọi Sáu Lầu - vì là con thứ 6 trong gia đình - sinh ra tại xã Thuận Mỹ, huyện Vàm Cỏ, tỉnh Long An. Cha của Cao Văn Lầu là Cao Văn Giỏi, (Chín Giỏi), mẹ là Thạch Thị Tài là những nông dân hiền lành, lam lũ Xuất thân từ một thành phầ lao động nghèo khó vì bị áp bức, bóc lột bởi bọn cường hào ác bá, tay chân của thực dân, mới lên 4 tuổi (1896), cha của Sáu Lầu mang cả gia đình gồm vợ và 6 con, tìm nơi khác sinh sống. Tha phương cầu thực đến tận Bạc Liêu, buổi đầu, ông Chín Giỏi đến tá túc trên đất của một người bà con ở Gia Hội (Bạc Liêu). Sau 9 tháng đi làm mướn cật lực mà không đủ ăn, gia đình ông lại phải dời sang Xà Phiên (nay thuộc quận Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang), khẩn hoang làm ruộng. Chỉ một năm sau, hơn 40 công đất có được do công lao khó nhọc, bị chúa đất tìm cách chiếm đoạt. Được người thương tình giúp đỡ và giới thiệu, gia đình ông Chín Giỏi dọn về Họng Chàng Bè (Giá Rai, Bạc Liêu) tiếp tục khẩn hoang nhưng rốt cuộc số đất này cũng về tay người khác.

                Thương cảnh lận đận, trắng tay của ông Chín Giỏi, hương sư Chơn ở làng Vĩnh Lợi, tổng Thạnh Hóa (Bạc Liêu), cho ông cất một căn chòi lá trên đất công điền, gần chùa Vĩnh Phước An (nay thuộc phường 2, thị xã Bạc Liêu). Nơi đó, vợ chồng ông Chín Giỏi và các con hàng ngày phải khổ sở đi làm mướn, đi câu, chạy gạo lo ăn từng bữa. Thấy vậy, hòa thượng Minh Bảo (? - 1912) trụ trì chùa Vĩnh Phước An thông cảm, tìm cách giúp đỡ gia đình ông đang trong cảnh ngặt nghèo. Vị Hòa thượng giàu lòng nhân ái đề nghị với ông Chín Giỏi cho Cao Văn Lầu, khi đó mới lên 8 tuổi, vào chùa ở để chia sẻ gánh nặng với gia đình ông Chín. Kể từ đó, chú bé Sáu Lầu, vừa làm công việc đánh trống dọng chuông, vừa đọc kinh kệ lại được nhà sư dạy cho chữ Nho. Đến năm 1903, nhờ ông Chín Giỏi nhớ thương và lo lắng cho tương lai của con trai, đến xin hòa thượng Minh Bảo cho Cao Văn Lầu được trở về nhà để đi học chữ Quốc ngữ. Nhưng chỉ học đến “lớp Nhì năm thứ hai” (Cours Moyen 2e Année) tức lớp 4 ngày nay, Cao Văn Lầu phải nghỉ học vì nhà lại gặp cảnh khó khăn đơn chiếc: anh đi ở rể, chị phải theo chồng và cha mẹ già yếu,nay ốm mai đau. Như vậy là, năm 17 tuổi (1907), Cao Văn Lầu đã phải thay cha và anh chị, đi tìm công việc làm mướn để nuôi cả gia đình. Lúc bấy giờ, tại xóm Rạch Ông Bổn, có một thầy đàn nổi tiếng tên Lê Tài Khí, thường gọi Hai Khị hay Nhạc Khị, gốc người Minh hương. Cha của Nhạc Khị là một thầy đờn kiêm luôn bầu Hát bội, thường được gọi là Bầu An, có một gánh hát. Nhạc Khị từ nhỏ thân thể ốm yêu, bị bệnh mù cả hai mắt, lại thêm hai chân bị liệt. Bầu An thấy con tàn tật, ra sức truyền nghề lại cho con. Chỉ vài năm sau, Hai Khị đã trở thành một nhạc sĩ lừng danh, một mình chơi thông thạo được nhiều loại đàn, và trống, kèn. Độc đáo nhất là cùng một lúc mà Hai Khị vẫn chơi được nhiều thứ nhạc cụ chẳng thua gì một quái kiệt. Ngón đàn điêu luyện - trong nhạc tài tử và nhạc lễ - làm ông nổi tiếng không chỉ ở Bạc Liêu mà khắp cả Nam kỳ lục tỉnh. Con của Hai Khị là Lê Văn Chột (Ba Chột) và rể là Trịnh Thiên Tư  cũng đều giỏi cổ nhạc như ông. Học giả Vương Hồng Sển (1902-1996) trong cuốn Hồi ký 50 năm mê hát, năm mươi năm cải lương của ông đã nhắc lại: “Ông Hai Khị đau cổ xạ, hai ngón tay co rút và ngo ngoe rất khó. Thế mà ông có tài nhạc riêng, không ai bắt chước được. Ai muốn thử tài đàn, cứ đến nhà ông ”.

                 Bẩm sinh vốn mê nhạc, năm 16 tuổi (1908), nghe danh Hai Khị, Cao Văn Lầu nhờ cha dẫn đến thầy Hai Khị để tranh thủ thì giờ, xin học đàn mỗi đêm vì ban ngày phải đi làm mướn. Nhờ đam mê và siêng năng, tính tình hiền lành, được thầy thương, nên khoảng  bốn năm sau, Cao Văn Lầu đã nhanh chóng sử dụng thành thạo các nhạc cụ như: đàn tranh, cò, kìm, trống lể và trở thành một nhạc sĩ nòng cốt trong ban cổ nhạc của thầy. Trong buổi Hội Lễ nhạc tài tử Bạc Liêu do hương sư Chơn đứng ra tổ chức nhằm mục đích thi tài giữa ban nhạc các tỉnh tại Bạc Liêu, Cao Văn Lầu được thầy Khị cho phép chỉ huy Ban nhạc của thầy, điều khiển thành công rực rỡ khiến người xem nhiệt liệt tán thưởng. Năm 20 tuổi (1912), Cao Văn Lầu bắt đầu đi hát với Sáu Thìn và cô Phấn bài Tứ đại oán Bùi Kiệm thi rớt.

                Trong những năm học đàn tại  nhà Thầy Khị, Sáu Lầu đem lòng yêu cô Hai Thân (còn gọi là Hai Sang), trưởng nữ của Thầy. Cô Hai Thân cũng dành tình cảm đặc biệt cho chàng thanh niên học trò tài hoa giỏi nhạc của cha mình, thể hiện trong mỗi khi hai người có dịp gặp nhau. Nhưng Cao Văn Lầu mặc cảm gia đình mình quá nghèo nên không dám mở lời với cô Hai. Tuổi ngày một lớn, cô Hai phải lấy chồng khi có người đến cầu hôn. Hôm lễ cưới cô Hai, Ban Nhạc Bạc Liêu do Cao Văn Lầu thay thầy điều khiển, đã chơi một đêm khiến những người đến dự phải nhớ đời. Tiếng đàn tranh điêu luyện, chứa đựng tâm sự thầm kín, réo rắt bổng trầm, từ những ngón tay rỉ máu, dặt dìu uyển chuyển như than như oán của chàng nhạc sĩ tài danh Cao Văn Lầu, đã làm ngây ngất bao người, và cũng âm thầm lay động không ít đến trái tim của người đẹp sắp sửa lên xe hoa vào sáng hôm sau ! Năm 21 tuổi (1913), Cao Văn Lầu sáng tác được một bản ngắn có tên: Bá điểu (sau đổi tên là Thu phong, gồm tám câu, nhịp 4. Về sau, bản nhạc này được soạn giả Trịnh Thiên Tư đặt thêm lời ca và đổi thành tên mới là Mừng khi gặp bạn. Năm 1917, Cao Văn Lầu sáng tác thêm một một khúc gồm 22 câu theo một chủ đề của thầy Nhạc Khị đề xướng “Chinh phụ vọng chinh phu” mà nội dung dực vào bản Nam ai “Tô Huệ chức cẩm hồi văn”. Cũng trong năm này, vâng lệnh cha mẹ, Cao Văn Lầu đi cưới vợ, cô Trần Thị Tấn, một cô gái nết na hiền lành đang ở đợ cho chủ điền Tư Ô (Chung Bá Khánh). Một cơ hội để Cao Văn Lầu tạm quên đi một mối tình câm đầu đời không vẹn. Nhưng cũng chính người vợ do cha mẹ sắp đặt này đã làm cho tên tuổi Cao Văn Lầu mãi sáng chói và trở thành bất tử trong nền âm nhạc tài tử cải lương với bản Dạ cổ hoài lang. Do gia đình nghèo, phải vay mượn tiền bạc để cưới vợ cho con, nên đã lâm cảnh nợ nần, ông Chín Giỏi phải xoay trở bằng cách đi xuống vùng Họng Chàng Bè (thuộc xã Định Thành, quận Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) để khai phá đất rừng làm ruộng. Nhưng Bạc Liêu, Cà Mau thuộc vùng nước mặn, đất bị nhiễm phèn, cọng thêm sự phá hoại nặng nề của loài chim, chuột, sâu rầy nên việc làm ruộng của ông Chín Giỏi cũng không khá lên được. Cuối cùng ông bà Chín Giỏi phải trở về Bạc Liêu, làm công việc mò ốc, bắt cua và giao lại miếng đất mới khai thác cho vợ chồng Sáu Lầu. Nhưng chưa quen làm ruộng, nên không phát triển được nghề nông, chỉ mới làm được một mùa, miếng đất của Sáu Lầu đành để rơi vào tay chủ điền Trần Trinh Trạch - cha của Hắc công tử Trần Trinh Huy, còn gọi là Công tử Bạc Liêu. Nhưng cái đau mất đất không bằng nỗi đau phải thôi vợ (còn gọi là để vợ hay trả vợ) của Sáu Lầu. Sau khi hai vợ chồng ở với nhau được hơn 4 năm, Trần Thị Tấn vẫn không cho không cho ông bà Chín Giỏi một đứa cháu nội nào dù là trai hay gái. Trong khi cha mẹ chồng mong vợ chồng Sáu Lầu có con để nối dõi tông đường để tránh khỏi phải đi vào con đường tuyệt tự ở đứa con mà gia đình cực khổ nuôi dưỡng và đầu tư công sức lo cho ăn học và đã thành danh. Cô dâu Trần Thị Tấn vô tình đã không làm tròn thiên chức của người vợ, người mẹ và luôn cả đứa con dâu trong gia đình. Khổ đau, trăn trở giữa hoàn cảnh éo le bên tình bên hiếu, Sáu Lầu phải nghe theo cha mẹ xa người vợ tào khang, gian khổ với mình đã nhiều năm qua dù trong lòng ông vẫn không quên câu nói về nghĩa tình vợ chồng sâu nặng của người xưa “Nhất dạ phu thê, bá dạ ân” (tình chồng vợ một đêm cũng nặng nghĩa trăm năm). 

                Ngày xưa, vợ chồng ăn ở với nhau không có con, nguyên nhân dẫn đến tuyệt tự   đều đỗ lỗi cho người đàn bà chứ không do người đàn ông. Ngày nay, sự tiến bộ của y học đã khẳng định sự cố ấy xuất phát từ một trong hai người như trường hợp của Cao Văn Lầu. Dù thương vợ rất nhiều, sau hơn bốn năm chăn gối, Cao Văn Lầu vẫn phải vâng lời cha mẹ. Ông bà Chín Giỏi quyết định đem nàng dâu Trần Thị Tấn trả về cho nhà gái, khiến vợ chồng ông phải đau đớn chịu cảnh phân ly. Hằng đêm, Cao Văn Lầu một mình thao thức, âu sầu đếm từng tiếng trống điểm canh, đầu óc luôn nghĩ về người vợ khổ đau đang ở cách đó không xa mà sao như cảnh én bắc nhạn nam. Cao Văn Lầu tư tưởng rằng trong không gian tiếng trống này, vợ mình cũng nghe được và đang âm thầm đau khổ nhớ chồng ! Cao Văn Lầu mường tượng ra hoàn cảnh, tâm trạng vợ mình bây giờ chẳng khác nào một chinh phụ, đang mỏi mòn đêm đêm trông ngóng tin chồng nơi biên ải xa xôi. Lòng người chinh phụ lúc nào cũng mong cho người chinh phu được bình an và thiết tha ước nguyện cảnh chồng vợ sum vầy. Khoảng một năm sau (1918), trong tâm trạng thương nhớ vợ, bản nhạc trên được đem ra soạn lại. Nghe lời bạn đồng môn Ba Chột, ông bỏ bớt hai câu trùng lặp, bản nhạc còn chẵn 20 câu nhịp đôi. Đúng và Tết Trung Thu năm Mậu Ngọ (nhằm ngày 19/9/1918 dương lịch), Cao Văn Lầu cùng các bạn đến thăm thầy, trình bản nhạc chưa có tên cho thầy xem và thầy Nhạc Khị hết sức khen ngợi. Nhân đêm đó có nhà sư Nguyệt Chiếu cùng có mặt, thầy nhạc Khị nhờ nhà sư đặt tên cho bản nhạc. Nhà sư nói : “Tuy nhạc và lời còn vài chỗ chưa khớp, nhưng nhìn chung bài ca vẫn diễn tả được tâm tư của nàng Tô Huệ”. Vậy cứ theo sự tích này mà đặt tên cho bài ca là “Dạ cổ hoài lang”, có nghĩa là: Nghe tiếng trống đêm, nhớ chồng. Kể từ hôm đó, bài ca này được loan truyền nhanh chóng vì tính cách nghệ thuật mới lạ và nội dung cảm động của bài ca. Thế là bao nỗi khắc khoải ở ông như một chàng chinh phu, cộng với tâm tư đau đáu ở người vợ hiền xa cách mà ông tưởng tượng ra, đã bật dậy lên như triều sóng tình cảm miên man vô bờ, khiến Cao Văn Lầu nhả ra thành vần điệu, thanh âm não nùng trong từng nốt nhạc của bản Dạ cổ hoài lang, mà về sau, qua thời gian, đã trở thành bản Vọng cổ, bài ca tài tử ấn tượng của nhạc cổ và là bài ca vua của sân khấu cải lương. Đến năm 1919, Cao Văn Lầu làm nhạc công cho gánh hát cải lương của Ba Xú (Bạc Liêu).

              Như vậy, thời điểm khai sinh ra bản Dạ cổ hoài lang là năm 1919. Trước tiên, bài ca được sáng tác trong 20 câu, nhịp hai (hay hai nhịp). Sau khi phát triển thành nhịp tư, được trình bày đầu tiên vào năm 1921, trên sân khấu cải lương Tập Ích Ban của ông bầu Tư Chơi, tức Huỳnh Thủ Trung (sinh năm 1906). thành nhịp tám trên sân khấu Tái Đồng Ban vào năm 1922. Nghệ sĩ Lư Hòa Nghĩa (Năm Nghĩa, 1911-1959), ông bầu của đoàn Cải lương Thanh Minh (sau này là Thanh Minh -Thanh Nga), đã đưa bản nhạc cổ này lên thành nhịp 16 với tên mới là Vọng cổ Bạc Liêu vào năm 1936. Một bước tiến quan trọng của bản Vọng cổ cải biên là từ nhịp 16 của MỘng Vân với 20 câu, lên nhịp 32 rút lại còn 6 câu của Trần Tấn Hưng. Sự kiện xảy ra vào ngày 12/08/1941 trong ngày giỗ tổ Cải lương tại Bạc Liêu. Được phép của thầy Nhạc Khị và nhạc trưởng Sáu Lầu, Năm Nhỏ (Trần Tấn Hưng) đã độc tấu bằng đàn guitar phím lõm bản Vọng cổ nhịp 32 do ông cải biên và được sự nhuận sắc của Cao Văn Lầu. Khoảng đầu năm 1951, nghệ sĩ Nguyễn Thành Út  (Út Trà Ôn- 1919-2001) đã biến thành bản Vọng cổ nhịp 32. Và sau cùng là nhịp 64 cải tiến của Lý Khi mà đa phần nghệ sĩ cải lương hiện nay vẫn còn hát.

                Nhớ lại,   từ ngày bị trả về nhà cha mẹ ruột, bà Trần Thị Tấn đau khổ nhớ chồng, ngày đêm quên ăn, biếng ngủ, ngồi đâu khóc đó ngay cả những lúc đang làm công việc, khiến thân thể ngày càng tiều tụy héo mòn. Trước thảm cảnh này, mẹ vợ Sáu Lầu liên lạc cùng ông, đưa vợ đến ở nhờ nhà ông Chín Đại để vợ chồng có thể gặp nhau vào những khi có cơ hội thuận tiện. Nhưng gởi vợ ở lâu một chỗ sợ bị cha mẹ mình phát giác, Sáu Lầu lại gởi vợ sang ở nhờ nhà bà Ba Xịu, một nơi khuất xa, trẹo đường, không sợ cha mẹ mình biết. Hơn một năm sau, người vợ khổ đau đó đã cho chồng biết là mình đã có mang. Thế là nàng dâu được mẹ chồng rước về nhà ông Chín Giỏi để vợ chồng Sáu Lầu được tái hợp và sống mãi với nhau suốt đời. (Tại đây, nàng hạ sinh cho chồng một cậu con trai đầu lòng trong số bảy đứa con : năm trai và hai gái của ông bà sau này). 

                Cách mạng tháng Tám thành công, cũng như nhiều văn nghệ sĩ yêu nước khác, Cao Văn Lầu tham gia Mặt trận Liên Việt tại ấp Vĩnh Phước, xã Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Năm 1947, Cao Văn Lầu nhận nhiệm vụ đặc biệt, rất quan trọng là cứu một số cán bộ tử tù bị thực dân Pháp bắt còn đang giam giữ trong ngục. Để giải cứu các chiến sĩ cách mạng, nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã nghĩ ra cách tổ chức một buổi đờn ca tài tử ở gần trại giam. Lòng nôn nao làm sao phải giải thoát cho kỳ được các chiến sĩ yêu nước trong lao tù, chỉ còn chờ ngày ra máy ché, đêm hôm đó, Cao Văn Lầu cùng các bạn đã đem hết tâm huyết và nghệ thuật để chơi xuất thần một buổi văn nghệ như chưa từng có, trong đó có bản Dạ cổ hoài lang. Trước mũi súng của kẻ thù, tỏ ra bình thản sử dụng tùy lúc đàn tranh ru hồn và trống ta dòn dã để làm cho kẻ thù ngây ngất lắng nghe đồng thờ cũng tạo được âm thanh và bối cảnh thuận lợi cho hiện trường bí mật của đội cảm tử đang âm thầm hoạt động trong đêm. Không mấy chốc, các chiến sĩ đặc công quyết tử quả cảm, đã an toàn lọt vào trại giam, giải cứu thành công toàn bộ cán bộ và chiến sĩ cách mạng sắp phải chịu án tử hình. Sau đó, để tránh bị bại lộ, Cao Văn Lầu hòa mình dòng sinh hoạt ca nhạc đó dây bằng vỏ bọc của một chàng nhạc sĩ lãng tử giang hồ.                     

                Đánh giá bản Dạ cổ hoài lang mà hậu duệ là bài ca vua Vọng cổ sau này, Chủ tịch Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh đã có ý kiến: Dạ cỏ hoài lang là “một báu vật của nền âm nhạc cải lương Nam bộ. Nhạc sư Vĩnh Bảo, năm 1938, người nghệ sĩ cai niên nổi tiếng về âm nhạc dân tộc, đã đàn cho cô Năm Cần Thơ () hát bài Dạ cổ hài lang, nói: “Tôi đã từng gặp ông Cao Văn Lầu, tác giả của bản Dạ cổ hoài lang và thấy ông ấy là một con người rất giản dị…, ông học hỏi được rất nhiều giá trị âm nhạc từ kho tàng cổ nhạc của dân tộc mà viết nên tác phẩm ấy”. GS.TS. Trần Văn Khê khẳng định: “Trong cổ nhạc Việt Nam, chưa có bài bản nào được như “Dạ cổ hoài lang”, biến thành Vọng cổ. Từ một sáng tác cá nhân đã biến thành sáng tác tập thể,… sẽ còn sống mãi trong lòng người Việt”. Với tinh thần thiết tha yêu nghệ thuật và lòng yêu tổ quốc nồng nàn trong suốt cuộc đời, Cao Văn Lầu đã sáng tác và lưu lại cho hậu thế bài ca vua Vọng cổ độc đáo, với giai điệu, âm hưởng tuyệt vời, mang đậm tính nghệ thuật dân tộc và nhân văn sâu sắc. Tôn vinh nhà nghệ sĩ âm nhạc tài hoa có óc sáng tạo đặc biệt, nhà nước đã xếp hạng Khu Lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu tại thành phố Bạc Liêu vào : Di tích lịch sử - Văn hóa quốc gia vào tháng 4 năm 2014, Và cơ quan quốc tế UNESCO cũng ra nghị quyết công nhận Đờn ca tài tử Nam bộ trong đó nổi trội là bài ca Dạ cổ hoài lang tức tiến thân của bản Vọng cổ - trong số 20 bài tổ: 6 Bắc, 3 Nam, 7 Hạ, 4 Oán -, là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

 

                                         5.10.2016

                                             T. N

Vườn văn
diemthi1965@gmail.com